Ấn Độ với 1,3 tỷ dân là thị trường tiêu thụ lớn, được Bộ Công Thương đánh giá là tiềm năng để phát triển xuất khẩu thanh long.
THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG NHƯNG ĐẦY THÁCH THỨC
Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng, Ấn Độ đang trở thành đối tác đầy tiềm năng của trái cây Việt Nam. Bởi gần 60% người dân của Ấn Độ ăn chay chủ yếu rau quả, trái cây. Tính trung bình mỗi người dân Ấn Độ ăn 3 kg trái cây trong một tháng, tính một năm cả nước Ấn Độ tiêu thụ 48 triệu tấn trái cây.
Thống kê cho thấy, trong vòng 5 năm qua xuất khẩu thanh long từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng 10 lần, từ 1 triệu USD năm 2015 tăng lên 10 triệu USD năm 2020. Thị phần thanh long của Việt Nam tăng mạnh, từ 26% lên 52% trong giai đoạn 5 năm qua. Điều này chứng tỏ đây là thị trường rất tiềm năng cho trái thanh long Việt Nam.
Trong vài năm qua, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ đã liên tục quảng bá thanh long của Việt Nam, tổ chức nhiều hội chợ - triển lãm chuyên đề. Chính điều này đã mang lại kết quả tích cực.
Hiện nay do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây cản trở đến khâu vận chuyển nên xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ gặp khó khăn. Vì vậy, ông Châu khuyến nghị, chúng ta cần tính toán ngay sau khi đại dịch kết thúc để việc xuất khẩu thanh long được tiến hành.
Trước mắt lúc này, theo ông Châu, chúng ta cần tìm được nguồn nhập, tăng cường giao lưu, tuyên truyền quảng bá quả thanh long.
Tuy nhiên, ông Châu cho biết có vấn đề mới nảy sinh, đó là Ấn Độ đã bắt đầu trồng thanh long ở một số địa phương, thậm chí những lãnh đạo cao cấp cũng tuyên truyền thanh long như trái cây gốc của họ. Đồng thời, Ấn Độ cũng đã đề nghị phía Việt Nam chuyển giao công nghệ trồng thanh long. Đây là thách thức khá lớn với những người trồng thanh long của Việt Nam.
Hiện nay xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ còn khá khiêm tốn. Song nếu không xuất khẩu được thì người trồng thanh long ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thậm chí dẫn tới cả hậu quả xã hội. "Dù kim ngạch còn khá nhỏ nhưng xuất khẩu thanh long đóng vai trò rất quan trọng trong kinh tế, xã hội ý nghĩa chính trị", ông Châu nhận định.
DOANH NGHIỆP VIỆT TỰ LÀM KHÓ NHAU
Theo ông Bùi Trung Thướng, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, cơ bản thị trường Ấn Độ là dễ tính nhưng để giữ được thị trường rất khó.
Hơn nữa, câu chuyện đáng buồn, trong thời gian qua tính đoàn kết của doanh nghiệp Việt Nam chưa được nâng cao. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh về giá, về khách hàng… ảnh hưởng tới uy tín của trái thanh long Việt Nam.
"Có doanh nghiệp đối tác đang mua với giá ổn định, doanh nghiệp mới Việt Nam nhảy vào chào giá thấp hơn. Thị trường Ấn Độ rộng lớn, doanh nghiệp Việt Nam nhỏ bé nên cần đoàn kết mới chiến thắng được”, ông Thướng nhấn mạnh.
Cùng với việc tuân thủ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, doanh nghiệp Việt Nam cần phải hết sức chú ý đến vấn đề bao bì, nhãn mác sản phẩm. Bởi hiện nay, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đều là bao bì của Trung Quốc.
Đặc biệt, sau đại dịch các thị trường sẽ khó khăn do nhu cầu yếu, nên cạnh tranh là tất yếu đòi hỏi doanh nghiệp cần đổi mới. Bên cạnh xuất khẩu thanh long tươi cần cả các sản phẩm chế biến từ thanh long, đưa công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản để xuất khẩu. Đây là điều tiên quyết để phát triển thị trường.
Thúc đẩy đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối tại Ấn Độ cũng cần được quan tâm. Vì hiện nay chúng ta vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp nhập khẩu.
Mặt khác, khi làm ăn với đối tác Ấn Độ, doanh nghiệp cần quan tâm tới phương thức thanh toán, tránh rủi ro.
Bà Huỳnh Thuý Vy, Hội người Việt Nam tại Ấn Độ lưu ý có ba hình thức thanh toán chủ yếu tại Ấn Độ: đặt cọc 30% khi ký kết hợp đồng mua bán sau đó thanh toán 70% khi đã có bản copy chứng từ gửi vào email; thanh toán cọc 30% khi ký kết hợp đồng mua bán sau khi nhận được hàng, kiểm tra và thanh toán 70% còn lại sau 5-7 ngày; 100% trả sau sau 5-7 ngày khi người mua nhận được hàng, kiểm tra chất lượng hàng hoá.
“Phương pháp thứ 2 là phù hợp với cả 2 bên nhất. Nếu thanh toán 100% sau khi nhận hàng thì khi đó chất lượng hàng hoá không được như ban đầu nên dễ xảy ra tranh chấp”, bà Vy khuyến cáo.