July 22, 2010 | 08:23 GMT+7

“Xuất khẩu xi măng chỉ là giải pháp tình thế”

Y Nhung

Từ năm 2010 các cơ sở sản xuất xi măng đã bước vào giai đoạn cạnh tranh thực sự

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng.
Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng.
Từ nay đến năm 2014, cung xi măng của nước ta sẽ tiếp tục cao hơn cầu. Tuy nhiên, lượng dư thừa này sẽ ở mức có thể chấp nhận, nếu có sự điều tiết ngay từ bây giờ.

Đó là nhận định của ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) khi trao đổi với VnEconomy, trước các lo ngại về tình trạng dư thừa xi măng hiện nay.

Cũng theo ông Tới, việc khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm thị trường và xuất khẩu xi măng chỉ là giải pháp tình thế trong thời điểm cung vượt cầu.

Dư thừa vẫn ở mức chấp nhận được

Năm 2010, theo ước tính lượng xi măng dư thừa của cả nước là gần 3 triệu tấn, ông có lo ngại về điều này?

Theo tính toán, toàn ngành năm nay có thể sản xuất khoảng 53 triệu tấn xi măng. Trong khi đó, lượng tiêu thụ dự báo chỉ đạt khoảng 50,5-51,5 triệu tấn. Như vậy, dư thừa là khoảng 1,5-2,5 triệu tấn. Về góc độ vĩ mô, mức dư thừa này là cần thiết để sẵn sàng đáp ứng khi nhu cầu của thị trường có biến động. Lượng tồn kho trên dưới 1,5 triệu tấn không phải là quá lớn, sẽ giúp tránh việc giá cả bị đẩy lên cao, khi nhu cầu tăng mạnh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, tình trạng này cũng khiến một số nhà máy gặp khó khăn. Đặc biệt là những đơn vị mới đi vào sản xuất, sản phẩm chưa có thương hiệu trên thị trường. Về tâm lý, người tiêu dùng thường thích chọn các sản phẩm đã được khẳng định về chất lượng qua thực tế.

Tiếp đến là các nhà máy có công nghệ kém, tiêu hao nhiều nguyên nhiên liệu hơn các nhà máy khác, khiến giá thành cao, sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường.

Các nhà máy có vị trí địa lý không thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên nhiên liệu, xa nơi tiêu thụ và các doanh nghiệp chưa gây dựng được hệ thống phân phối rộng khắp cũng là những đối tượng sẽ gặp bất lợi trong giai đoạn này. Có thể nói từ năm 2010 các cơ sở sản xuất xi măng đã bước vào giai đoạn cạnh tranh thực sự.

Như vậy, không ít doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước sẽ tiếp tục gặp khó vì theo dự báo các năm từ 2011- 2014, lượng dư thừa sẽ vào khoảng 4-8 triệu tấn/năm?

Đúng là tình trạng dư thừa sẽ tiếp tục xảy ra trong những năm tới vì nhu cầu có tăng nhưng nguồn cung còn tăng mạnh hơn. Lượng dư thừa có thể lên tới 10%, hoặc cao hơn so với sản lượng sản xuất hàng năm của toàn quốc, nếu không có sự định hướng và điều chỉnh quy hoạch kịp thời. Tuy nhiên, tăng trưởng nguồn cung vào giai đoạn tới sẽ không “thăng hoa” như giai đoạn 2005- 2010, do giai đoạn này chúng ta đã kích cung.

Xuất khẩu chỉ là giải pháp tình thế
 
Trước bài toán cung vượt quá cầu của ngành xi măng, Bộ Xây dựng đã có những biện pháp gì để điều tiết, thưa ông?

Ngay từ cuối năm 2009, sau khi đánh giá việc thực hiện Quy hoạch phát triển xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Bộ Xây dựng đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ một số biện pháp nhằm điều tiết cung cầu.

Thủ tướng cũng đã đồng ý về các biện pháp do Bộ Xây dựng đề xuất. Theo đó, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị không đăng ký tiếp các dự án đầu tư sản xuất xi măng mới.

Qua kết quả rà soát, Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng dừng một số dự án đã có trong quy hoạch nhưng triển khai chậm, triển khai với khối lượng không đáng kể và khó có điều kiện triển khai tiếp.

Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất với Thủ tướng những biện pháp kich cầu tiêu thụ xi măng. Tôi cho rằng đây là biện pháp căn cơ, có tính bền vững. Còn khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm thị trường và xuất khẩu xi măng chỉ là giải pháp tình thế trong thời điểm cung vượt cầu.

Theo phản ánh từ các doanh nghiệp xi măng việc xuất khẩu và tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho xi măng là việc không hề đơn giản, ông đánh giá sao về điều này?

So với mặt hàng khác, xi măng là mặt hàng có giá trị thấp trên cùng trọng lượng và thể tích, lại không lưu giữ được lâu. Chúng ta cũng đang thiếu cảng, phương tiện bốc xếp chuyên dùng để xuất khẩu xi măng. Điều đó khiến cho việc xuất khẩu xi măng không đơn giản.

Thêm vào đó, hiện hầu hết các doanh nghiệp xi măng nước ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho sản phẩm, càng chưa có kinh nghiệm thực tế và tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức xuất khẩu để mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên trong cơ chế hiện nay, các doanh nghiệp cần phải tự nâng cao năng lực của mình. Song, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và hữu hiệu của các ngành, đặc biệt là giao thông vận tải trong việc đầu tư mới các cảng chuyên dùng, cải tạo và nâng cao năng lực cảng để bốc xếp sản phẩm xi măng là rất cần thiết.

Có ý kiến cho rằng sản xuất xi măng là một ngành tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên, vì vậy không nên khuyến khích việc xuất khẩu. Quan điểm của ông như thế nào?

Tôi cho rằng chúng ta không đặt mục tiêu là sản xuất xi măng để xuất khẩu. Xuất khẩu xi măng chỉ là để điều hoà cung cầu cho thị trường nội địa trong giai đoạn cung vượt cầu.

Vậy yêu cầu của Bộ đối với 3 doanh nghiệp là Công ty Xi măng Nghi Sơn, Công ty Xi măng Chinfon Hải Phòng, Công ty Xi măng Phúc Sơn là xuất khẩu 100-150 nghìn tấn xi măng trong sáu tháng cuối năm có phải là quá khó?

Trước bài toán cung vượt quá cầu của ngành xi măng, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi Công ty Xi măng Nghi Sơn, Công ty Xi măng Chinfon Hải Phòng, Công ty Xi măng Phúc Sơn về việc xúc tiến thị trường xuất khẩu xi măng.

 Khi được cấp phép, các doanh nghiệp này đã phải cam kết sẽ xuất khẩu 30-40% sản lượng sản xuất/năm. Trước đây, khi thị trường trong nước cung chưa đáp ứng được nhu cầu thì các doanh nghiệp đó không phải xuất khẩu. Hiện nay cung đang vượt cầu nên Bộ yêu cầu họ phải thực hiện cam kết của mình.

Theo đó, trong sáu tháng cuối năm 2010, mỗi công ty xuất khẩu từ 100-150 nghìn tấn xi măng. Tiếp đến năm 2011, các doanh nghiệp này sẽ phải xuất khẩu 50% sản lượng xi măng đã cam kết. Năm 2012, con số này là 100%.  

Tập đoàn mẹ của các công ty này đều là các doanh nghiệp có bề dày trong việc sản xuất và xuất khẩu xi măng. Tôi cho rằng họ sẽ không gặp nhiều khó khăn khi thực hiện cam kết.

Nếu không thực hiện theo đúng như cam kết, chế tài nào sẽ được áp dụng đối với các doanh nghiệp này?

Chế tài thì có nhiều, nhưng không nên nói đến bây giờ, khi mà các doanh nghiệp đang khẩn trương thực hiện cam kết.

Còn đối với các doanh nghiệp xi măng đang gặp khó khăn, cơ quan quản lý đã và đang có những biện pháp gì nhằm tháo gỡ giúp họ, thưa ông?

Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ có biện pháp kích cầu nội địa cho sản phẩm xi măng. Trong đó có việc đẩy mạnh việc làm đường bằng bê tông xi măng, thay thế cho đường asphan (kể cả đường cao tốc, quốc lộ); nâng cấp các tuyến đường, đầu tư cảng chuyên dùng để hỗ trợ việc vận chuyển sản phẩm xi măng từ Bắc vào Nam, cũng như xuất khẩu.

Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển sản xuất vật liệu xây dựng không nung, thay thế dần gạch đất sét nung cũng là một giải pháp vừa kích cầu cho xi măng, lại hạn chế sử dụng tài nguyên đất sét, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện công nghiệp hóa ngành xây dựng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate