Bộ Giao thông Vận tải vừa phát đi thông cáo báo chí cho hay, đã có khoảng 100 nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết trong đợt xúc tiến đầu tư quốc tế mới đây.
Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với đơn vị tư vấn giao dịch CRISIL Infrastructure Advisory của Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức và thực hiện các buổi giới thiệu, quảng bá dự án đến nhà đầu tư quốc tế tại Mumbai - Ấn Độ (ngày 22/7/2013), Seoul - Hàn Quốc (ngày 24/7/2013), và Singapore (ngày 26/7/2013).
Trong các buổi quảng bá dự án tại 3 nước nói trên, có khoảng 100 nhà đầu tư đến tham dự, là đại diện cho các tập đoàn đầu tư, công ty tư nhân về phát triển hạ tầng và các tổ chức tài chính trong khu vực đã quan tâm, đăng ký tham dự.
Trước đó, ngày 26/6/2013, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 1777/QĐ-BGTVT phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư thứ hai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Nhà đầu tư thứ nhất của dự án đã được Chính phủ lựa chọn là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco, sẽ đóng góp 60% phần vốn cho dự án.
Nhà đầu tư thứ hai sẽ được lựa chọn thông qua đấu thầu cạnh tranh theo thông lệ PPP quốc tế (đóng góp 40% phần vốn chủ sở hữu còn lại).
Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được xem là “một bước chuyển biến quan trọng trong việc chuẩn bị, thiết lập cơ chế dự án và đưa ra thị trường một mô hình PPP đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tại một quốc gia đang phát triển như Việt Nam”.
“Đây là dự án hạ tầng giao thông đầu tiên Việt Nam sử dụng nguồn lực từ khu vực tư nhân, có sự tham gia vốn của Nhà nước để đảm bảo tính khả thi về tài chính của dự án, nhằm đảm bảo sự hấp dẫn của dự án đối với các nhà đầu tư tư nhân”, thông cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho biết.
Dự án sẽ được xây dựng với tổng chi phí dự kiến khoảng 750 triệu USD và sẽ được chuyển giao cho Chính phủ sau 30 năm. Tuyến đường sẽ kết nối tỉnh Đồng Nai với thành phố du lịch Phan Thiết (Bình Thuận) với chiều dài 98,7 km, quy mô 4 làn xe và sẽ được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế.
Dự kiến, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ có lưu lượng giao thông cao với tuyến dự án đi qua các khu công nghiệp và các công trình cảng biển và sân bay quốc tế sắp được xây dựng như cảng hàng không quốc tế Long Thành và 5 cảng biển đã được đưa vào quy hoạch.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate