Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khoá XV xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) diễn ra ngày 29/8, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về quy định giao Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuê.
GIÚP ĐA DẠNG HOÁ NGUỒN VỐN CHO NHÀ Ở XÃ HỘI
Bàn về quy định này, đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Giang, nhìn nhận việc giao Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, nâng cao vị trí, vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn.
Theo ông Tuấn, một trong những vấn đề hàng đầu được công nhân, người lao động quan tâm hiện nay là vấn đề nhà ở. Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đảm bảo 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp được giải quyết về chỗ ở, tuy nhiên, chúng ta chưa hoàn thành được mục tiêu này. Vấn đề nhà ở kéo theo một loạt các vấn đề xã hội khác, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường sống, chăm sóc trẻ em, bảo đảm sức khỏe…
"Để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội sẽ giúp đa dạng hóa, thu hút nhiều chủ thể, nhiều nguồn lực, để giải quyết vấn đề cấp bách này, cùng chăm lo cho đời sống của người lao động. Điều đó cũng giúp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, sứ mệnh của mình”, ông Tuấn nói.
Còn theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, trên thực tế, đây là vấn đề mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được chủ trương thực hiện thí điểm trong thời gian qua. Do đó, ông Nghĩa đồng tình với việc tổng kết thí điểm và đưa vào dự thảo luật.
CẦN THÍ ĐIỂM TRƯỚC KHI ĐƯA VÀO LUẬT
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng không nên giao cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuê. “Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là một tổ chức chính trị, không có chức năng kinh doanh. Do đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có nhiều cách khác nhau để chăm lo cho đời sống của công nhân, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn nên giao cho các đơn vị chức năng khác”, ông Hoà phân tích.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bày tỏ việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là rất khó khả thi. Mặc dù, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhưng chúng ta không nhất thiết phải quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư, bởi công đoàn không có chức năng kinh doanh. Do vậy, nếu dự thảo Luật này đưa ra quy định như vậy sẽ không phù hợp, và có thể gây ra những quan ngại.
Đề cập đến các ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, đánh giá việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là quy định có mục đích nhân văn, góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được các nguồn đầu tư, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân trong giai đoạn hiện nay. Đối tượng thụ hưởng của các chính sách về nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là người lao động có thu nhập thấp, nên với chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là tương đối phù hợp.
Khác với các chủ đầu tư thông thường, nếu trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động, đối tượng thụ hưởng chính sách chính là những đối tượng được hướng đến trong suốt các nhiệm vụ, hoạt động của tổ chức này. Mặt khác, Tổng Liên đoàn Lao động có lợi thế trong việc điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, do có hệ thống công đoàn từ trung ương xuống cơ sở. Điều này giúp ích trong việc đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Tuy nhiên, đây là nội dung lớn, hoàn toàn mới, vì vậy cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, đặc biệt là tính khả thi của nguồn lực thực hiện để tránh lãng phí, cần nghiên cứu, xem xét thực hiện thí điểm một thời gian để đánh giá tính hiệu quả trước khi quy định rõ trong luật.
Sau hội nghị này, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổ chức tổng hợp ý kiến thảo luận và có báo cáo gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan để nghiên cứu tiếp thu giải trình tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan thẩm chính soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu giải trình tiếp thu đầy đủ, kỹ càng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ngày hôm nay và các ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, các tổ chức hữu quan để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luận; lấy ý kiến của Chính phủ trước khi trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6.