Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có góp ý về phương án nghỉ Tết Âm lịch Quý Mão 2023 gửi đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất nghỉ Tết Âm lịch năm 2023 từ thứ Năm ngày 19/1/2023 Dương lịch đến hết thứ Năm ngày 26/1/2023 Dương lịch (tức từ ngày 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão).
Người lao động sẽ đi làm vào thứ Sáu ngày 27/1/2023 (tức ngày mùng 6 tháng Chạp) và làm bù thêm vào thứ Bảy ngày 28/1/2023 Dương lịch (tức ngày mùng 7 tháng Chạp năm Quý Mão). Như vậy, tổng số ngày nghỉ Tết Âm lịch là 8 ngày.
Trao đổi với báo chí xung quanh đề xuất này sáng 7/9, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết ngay sau khi nhận được văn bản của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc góp ý thời gian nghỉ Tết và nghỉ Quốc khánh năm 2023, cơ quan này đã tổ chức thăm dò, lấy ý kiến của người lao động và cán bộ công đoàn.
Qua khảo sát có hơn 80% người lao động đồng ý với phương án nghỉ 9 ngày. Tuy nhiên, sau khi phân tích và cân nhắc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định đề xuất phương án thứ 3 là nghỉ 8 ngày, từ ngày 28 Tết và đi làm vào ngày mùng 6 Tết, sau đó, người lao động sẽ làm thêm vào thứ Bảy của tuần sau Tết. “Sau khi lấy ý kiến về phương án nghỉ 8 ngày đã được đông đảo người lao động lựa chọn với trên 93% đồng tình”, ông Ngọ Duy Hiểu thông tin.
Lý giải về phương án đề xuất, ông Hiểu nói rằng đã được tổ chức công đoàn cân nhắc, tính toán trên các cơ sở rất kỹ càng. Trước hết, hai năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hầu hết công nhân lao động đã có những cái Tết không trọn vẹn khi phải hạn chế đi lại, không ít người lao động đã phải ở lại chính địa phương nơi mình làm việc, trong khi công nhân là lao động di cư chiếm tỷ lệ tương đối nhiều.
Nước ta cũng có địa hình trải dài từ Bắc đến Nam, việc di chuyển là yếu tố rất cần thiết và cần phải quan tâm, nhất là khi các điều kiện về hạ tầng giao thông, đi lại còn nhiều khó khăn, đó là lí do phải tìm giải pháp thuận lợi nhất cho người lao động.
Mặt khác, theo ông Hiểu, truyền thống Tết Âm lịch của Việt Nam là người dân luôn quan tâm đến việc sắm Tết, việc nghỉ sớm sẽ giúp người lao động, nhất là với lao động nữ có thời gian để chuẩn bị Tết chu đáo, về thăm quê hương, gia đình. Việc tổ chức nhiều ngày nghỉ trước Tết cũng giảm được áp lực về giao thông, tránh tình trạng ùn tắc.
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, phương án nghỉ kéo dài 8 ngày là phù hợp. “Chúng tôi đề xuất nghỉ 8 ngày một mặt để đáp ứng mong muốn của công nhân lao động được nghỉ Tết sớm nhưng cũng là chia sẻ chung với Chính phủ, người sử dụng lao động trong bối cảnh đang trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế.
Thực tế khi chúng tôi lắng nghe ý kiến của nhiều doanh nghiệp thì chính các doanh nghiệp cũng muốn cho người lao động nghỉ Tết sớm, nhiều chủ doanh nghiệp còn nói rằng nếu không cho người lao động nghỉ sớm, không về Tết được thì họ cũng không yên tâm làm việc. Như vậy, có thể còn gây khó khăn cho doanh nghiệp hơn”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói.
Phương án nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023 hiện đang được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội gửi xin ý kiến các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ.
Về lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra hai phương án nghỉ 7 ngày và 9 ngày, song đề xuất chọn phương án nghỉ 7 ngày, bởi cho rằng phương án này đảm bảo tổng số ngày nghỉ liên tục không quá dài, đồng thời hài hòa thời gian nghỉ trước và sau Tết.
Góp ý về các phương án nghỉ Tết, hiện Bộ Nội vụ và Bộ Giao thông vận tải đồng tình với đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán 2023 là 7 ngày để trình Chính phủ.