September 13, 2024 | 16:27 GMT+7

Yêu cầu hai công ty ngoại chấm dứt hành vi vi phạm quảng cáo xuyên biên giới

Nam Anh -

Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa có văn bản gửi hai công ty Công ty RTB (Singapore) và Công ty Dailymotion (Pháp) về việc tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam trong hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới…

Nền tảng quảng cáo Dailymotion gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2021.
Nền tảng quảng cáo Dailymotion gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2021.

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cho biết thời gian qua đã tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới để đảm bảo an toàn cho các thương hiệu, nhãn hàng; đồng thời, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam.

Qua theo dõi, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử phát hiện nội dung quảng cáo của một số nhãn hàng như Kem đánh răng P/S, sản phẩm chăm sóc tóc Clear và Tresemmé (thuộc Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam); nước giải khát Coca-Cola (thuộc Công ty Coca-Cola Việt Nam) đã bị đặt vào nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam trên các nền tảng xuyên biên giới như Nguoi-Viet.com; Dailymotion.com.

Yêu cầu hai công ty ngoại chấm dứt hành vi vi phạm quảng cáo xuyên biên giới - Ảnh 1

Qua tìm hiểu, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cho rằng việc cài đặt các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam nêu trên được thực hiện bởi Công ty RTB (Singapore) và Công ty Dailymotion (Pháp). Đây là hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo của Việt Nam và gây ảnh hưởng lớn đến vấn đề sự an toàn thương hiệu và uy tín của các doanh nghiệp sở hữu các nhãn hiệu hàng hóa nêu trên.

Trước thực trạng nói trên, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền đề nghị Công ty RTB, Công ty Dailymotion:

(1), Chấm dứt các hành vi vi phạm nêu trên, áp dụng các giải pháp quản lý hiệu quả để đảm bảo không lặp lại các vi phạm tương tự; có trách nhiệm tuân thủ quy định luật pháp Việt Nam khi cung cấp dịch vụ dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

(2), Có giải pháp để chủ động ngăn chặn, loại bỏ các quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam khi cài đặt sản phẩm quảng cáo tại Việt Nam; không đặt sản phẩm quảng cáo vào các nội dung vi phạm pháp luật theo quy định tại Nghị định số 70/2021/NĐ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo; tăng cường kiểm tra, giám sát, chặn lọc quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam.

(3), Thực hiện khuyến nghị của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông về việc sử dụng Danh sách nội dung “đã được xác thực” (“White List”) và Danh sách nội dung “xấu, độc” (“Black List”) để đảm bảo an toàn cho các thương hiệu, nhãn hàng tại Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate