April 30, 2016 | 17:02 GMT+7

Yêu cầu lập trạm quan trắc “soi” việc xả thải của Formosa

Nguyên Hà

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương giúp Hà Tĩnh lập trạm quan trắc giám sát việc xả thải của Formosa

Đường ống xả thải ngầm của Formosao xuống biển đã được các ngư dân lặn xuống biển chụp, sau nghi vấn nhà máy này có liên quan đến việc cá chết hàng loạt.<br>
Đường ống xả thải ngầm của Formosao xuống biển đã được các ngư dân lặn xuống biển chụp, sau nghi vấn nhà máy này có liên quan đến việc cá chết hàng loạt.<br>
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa tiếp tục có chỉ đạo liên quan đến việc tìm nguyên nhân và khắc phục hậu quả cá chết bất thường tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Giám sát chặt xả thải của Foromsa
 

Sau khi có cuộc làm việc với lãnh đạo các tỉnh có liên quan chiều tối 29/4, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm, quyết liệt ý kiến chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các nhiệm vụ được nêu trong thông báo kết luận số 68/TB-VPCP ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thành lập ngay các tổ công tác thường trực tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế để phối hợp cùng chủ tịch UBND các tỉnh trên kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để có kết luận về nguyên nhân cá chết trong thời gian sớm nhất, cần thuê thêm tư vấn nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm để tìm rõ nguyên nhân, có kết luận độc lập, khách quan.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản liên quan, đồng thời khẩn trương giúp tỉnh Hà Tĩnh triển khai ngay trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của nhà máy Formosa đến trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh để kiểm tra và lấy mẫu phân tích tự động nhằm kiểm soát việc xả thải của nhà máy.

Khoanh nợ cho ngư dân

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ tình hình thực tế sớm thông báo cho ngư dân về thời gian và ngư trường an toàn cho đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản để người dân yên tâm khôi phục sản xuất, sử dụng và tiêu thụ thuỷ hải sản. Phối hợp với các địa phương chỉ đạo tổ chức kiểm tra, chứng nhận an toàn đối với những thuỷ, hải sản xa bờ đã đánh bắt, để thuận lợi cho việc mua bán, sử dụng.

Đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các địa phương trong ngày 30/4/2016 trình Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ người dân và các hộ kinh doanh ở khu vực bị thiệt hại do cá, thuỷ hải sản chết bất thường; phương án hỗ trợ người dân tiêu thụ hết số thuỷ hải sản đánh bắt xa bờ nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan sớm xác định rõ độc tố (nếu có) trong cá và các loại thuỷ hải sản khác và ảnh hưởng của độc tố đến sức khoẻ con người. Từ đó khuyến cáo người dân sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn.

Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến hải sản thu mua thuỷ hải sản đánh bắt xa bờ đã được xác nhận đảm bảo an toàn. Trong ngày 30/4/2016, thiết lập và công bố đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, để tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho ngư dân.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng liên quan nghiên cứu phương án khoanh nợ, giãn nợ những khoản vay cũ, cho vay mới để ngư dân tiếp tục sản xuất; hỗ trợ ngư dân vay ưu đãi khi có nhu cầu chuyển đổi sang làm nghề mới.

Bộ Công An chỉ đạo nắm sát tình hình, xem xét xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Bộ trưởng các Bộ Công An, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trực tiếp chỉ đạo để có các giải pháp kiên quyết, kịp thời nhằm không để tình hình diễn biến phức tạp, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực mình phụ trách.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate