August 29, 2024 | 15:49 GMT+7

12 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành Giáo dục

Đỗ Như -

Ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là "Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương"...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 2236/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành Giáo dục.

Cụ thể, có 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề ra trong Kế hoạch của ngành Giáo dục và Đào tạo.

Trước hết là tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Ưu tiên nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo và các Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và đổi mới chương trình giáo dục mầm non.

Bên cạnh đó, triển khai rà soát Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đổi mới giáo dục và đào tạo.

Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Trong đó, quan tâm triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông đối với các lớp, đặc biệt là lớp 5, lớp 9 và lớp 12; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025.

Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý việc thực hiện tốt công tác xác định nhu cầu để tuyển sinh, đào tạo sinh viên sư phạm, bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên.

Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Trong đó, ngành Giáo dục tham mưu các cấp, các ngành bổ sung ngân sách chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục để đảm bảo chi cho hoạt động giảng dạy và học tập đạt tỷ lệ tối thiểu 19% trong tổng chi thường xuyên (chưa kể chi từ nguồn thu học phí) theo quy định.

Các địa phương, nhà trường thực hiện đúng quy định về các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, tăng cường quản lý nhà nước theo phân cấp đối với các khoản thu theo quy đinh.

Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Các cơ sở đào tạo chuẩn bị tốt cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm từ năm 2025 trở đi, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bảo đảm chất lượng và công bằng.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khác được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra như: Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học; Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Tăng cường công tác truyền thông giáo dục và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 29 chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo chung của cả nước phấn đấu đạt được trong năm học 2024-2025.

Trong đó, một số chỉ tiêu đáng chú ý như: huy động 99,7% trẻ em 6 tuổi vào lớp 1; tỉ lệ hoàn thành chương trình Tiểu học phấn đấu đạt 99,5%; 40 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3.

29 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở mức độ 1; tỉ lệ người biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi theo quy định đạt 98,95%; tỉ lệ người biết chữ mức độ 2 trong độ tuổi theo quy định đạt 97,39%; tỉ lệ giáo viên mầm non, Tiểu học đạt chuẩn đào tạo là 91%; tỉ lệ giáo viên Trung học Cơ sở đạt chuẩn đào tạo là 94%; giáo viên Trung học Phổ thông đạt chuẩn đào tạo là 99%; tỉ lệ giảng viên đại học có bằng tiến sĩ đạt 35%; tỉ lệ sinh viên học đại học/vạn dân là 230…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate