August 16, 2024 | 16:48 GMT+7

Bộ Chính trị yêu cầu kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo

Đỗ Như -

Một trong những nhiệm vụ Bộ Chính trị yêu cầu là bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết số 29 đã đề ra. Đồng thời, kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

TỪNG BƯỚC ĐƯA TIẾNG ANH TRỞ THÀNH NGÔN NGỮ THỨ HAI TRONG TRƯỜNG HỌC

Sau 10 triển khai Nghị quyết số 29, giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Để phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đạo tạo, Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ.

Theo đó, các cấp tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm coi giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”…

Đồng thời tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; tháo gỡ những điểm nghẽn, trong đó cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo, Luật về học tập suốt đời, Chiến lược phát triển giáo dục và các quy định về đổi mới công tác quản lý, quản trị nhà trường theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ, liên thông..

Mặt khác, Bộ Chính trị yêu cầu đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước được khuyến khích liên kết, hợp tác với các cơ sở tiên tiến trên thế giới, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước; khuyến khích, thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam; thu hút các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới mở phân hiệu tại Việt Nam.

Cũng trong kết luận, Bộ Chính trị chỉ đạo phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Các cơ quan nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản việc thừa, thiếu cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn.

Ngoài ra, việc đổi mới quản lý nhà nước với nhà giáo cần làm đồng bộ, thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng.

KỊP THỜI ĐIỀU CHỈNH TĂNG MỨC CHI NGÂN SÁCH CHO GIÁO DỤC

Với cấp mầm non, Bộ Chính trị yêu cầu từng bước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3, 4 tuổi; quản lý chặt chẽ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập.

Với cấp phổ thông, tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa; thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm.

Với giáo dục đại học, tập trung nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, các cơ sở tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, gắn với thị trường lao động, chú trọng cả số lượng, cơ cấu, chất lượng đào tạo.

Cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập cần tập trung đầu tư chiều sâu ở một số ngành, nghề, lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế nhằm tạo đột phá, chú trọng các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ và các ngành mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, bán dẫn,...

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; đẩy mạnh chuyển đổi trong giáo dục và đào tạo; đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết số 29 đã đề ra.

Đồng thời, kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực giáo dục; tưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate