November 18, 2024 | 13:48 GMT+7

200 năm kênh Vĩnh Tế, công trình thủy lợi vĩ đại của đồng bằng sông Cửu Long

Thiên Ân -

Kênh đào Vĩnh Tế là công trình thủy lợi thủ công khu vực biên giới dài nhất Việt Nam, có giá trị vô cùng quan trọng đối với sự phát triển về kinh tế xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vừa tròn 200 năm (1824 – 2024) kể từ ngày hoàn thành và đưa vào sử dụng...

Kênh Vĩnh Tế là công trình thủy lợi thủ công dài nhất Việt Nam, có giá trị vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của vùng ĐBSCL.
Kênh Vĩnh Tế là công trình thủy lợi thủ công dài nhất Việt Nam, có giá trị vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của vùng ĐBSCL.

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang vừa tổ chức lễ kỷ niệm và hội thảo khoa học quốc gia “200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 – 2024) và tưởng niệm 198 năm ngày mất của bà Châu Thị Tế (1826 - 2024)”, phu nhân danh thần Thoại Ngọc Hẩu – Trấn thủ Vĩnh Thanh và là người trực tiếp chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế.

Kênh đào Vĩnh Tế (lấy tên phu nhân Thoại Ngọc Hầu, vì bà có tên khác là Châu Thị Vĩnh Tế) là công trình thủy lợi rất quan trọng của miền Tây Nam Bộ nói chung, vùng trấn Vĩnh Thanh (gồm các tỉnh Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc, Long Xuyên, và một phần Kiên Giang ngày nay) nói riêng từ thế kỷ XIX đến nay.

Công trình được vua Gia Long ra lệnh cho khởi đào từ năm 1819 và hoàn thành năm 1824, do Thoại Ngọc Hầu (tức Nguyễn Văn Thoại) trực tiếp chỉ huy với chiều dài 91 km, rộng 30 m và độ sâu 2,55 m. Tuyến kênh bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc (tỉnh An Giang) nối với sông Giang Thành (thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) và được thi công hoàn toàn bằng sức người. Công trình kênh đào Vĩnh Tế là minh chứng hùng hồn cho sự sáng tạo, tài tình của người Việt chinh phục thiên nhiên, thể hiện tầm nhìn chiến lược của vương triều nhà Nguyễn, góp phần phát triển kinh tế, bang giao và củng cố sức mạnh quốc phòng miền biên viễn vùng Tây Nam của Tổ quốc.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh rằng kênh Vĩnh Tế hình thành tạo điều kiện cho giao lưu kinh tế, góp phần đưa Châu Đốc từ một cứ điểm quân sự từng bước trở thành khu kinh tế đầu mối kết nối với thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Công trình không chỉ giữ vai trò kết nối giao thông thủy bộ giữa các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, mà còn được xem là “kênh mẹ” để hình thành thêm các kênh T5, T4, T3 sau này. “Kênh Vĩnh Tế đã biến vùng tứ giác Long Xuyên từ hoang hóa, nhiễm phèn nặng thành vùng sản xuất trù phú, trọng điểm sản xuất lương thực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Trong phát triển du lịch, kênh Vĩnh Tế với giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa và giao thông thủy, trên bộ dưới thuyền góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch địa phương”, ông Quang khẳng định.

Tại hội thảo khoa học cùng chủ đề, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử đến từ nhiều địa phương, viện, trường đại học trong cả nước đã nhất trí cho rằng, kênh Vĩnh Tế là thành tựu thủy nông quan trọng dưới triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Quá trình đào kênh kéo dài 5 năm mới hoàn thành, là công trình lịch sử mang tầm vóc vĩ đại tại vùng biên giới Tây Nam của Việt Nam. Nó minh chứng cho sự sáng suốt, tài tình của tiền nhân trong chinh phục thiên nhiên, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, khai khẩn vùng đất phương Nam, phát triển kinh tế, bang giao và cũng cố sức mạnh quốc phòng. Công trình không chỉ là tuyến giao thông chiến lược mà còn là biểu tượng của tinh thần bất khuất của dân tộc, thể hiện tầm nhìn chiến lược của cha ông ta trong việc phát triển sản xuất, giao thương và bảo vệ chủ quyền biên giới.

Kênh Vĩnh Tế hoàn thành không thể không kể đến công đầu của danh thần Thoại Ngọc Hầu cùng sự góp sức thầm lặng của phu nhân Châu Thị Tế; bà là một phụ nữ tài đức vẹn toàn, đã giúp danh thần Thoại Ngọc Hầu trong việc đào kênh, đắp đường, mở mang đồng ruộng, phát triển cuộc sống lưu dân ở vùng biên địa Tây Nam dưới triều Nguyễn. Ghi nhận công lao của bà Châu Thị Tế, vua Minh Mạng đã chỉ dụ ghi nhận công lao của bà và đặt tên dòng kênh này là “Vĩnh Tế Hà”, địa danh còn lưu mãi đến hôm nay. 

Theo phân cấp, hiện nay, tuyến kênh Vĩnh Tế thuộc tuyến thủy nội địa và được quản lý bởi 3 đơn vị (tính theo địa phận, địa bàn dòng kênh chảy qua) gồm Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam, tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate