Bộ Giao thông vận tải vừa tổ chức lễ công bố Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đáng chú ý, trong quy hoạch lần này, đường sắt được xác định là một chuyên ngành đặc thù, có vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và là một trong ba đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt khoảng 240 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13% toàn ngành, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Việt Nam có bờ biển dài, đường sắt chạy song song với bờ biển.
Để tận dụng ưu thế này, đối với vận tải hàng hóa Bắc - Nam, vận tải biển ven bờ sẽ được ưu tiên vì có thể vận chuyển khối lượng hàng hoá lớn, hàng siêu trường, siêu trọng với chi phí thấp. Bên cạnh đó, cần nâng cấp tuyến đường sắt hiện có, đầu tư các tuyến đường sắt kết nối cảng biển lớn để vận tải hàng hóa.
Liên quan đến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ trưởng cho biết, quy hoạch đường sắt xác định, từ nay đến năm 2030 sẽ triển khai hai đoạn ưu tiên là Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP. HCM. Do đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ tích cực tham mưu để Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong nhiệm kỳ này. Nhiệm kỳ tới tập trung lập dự án, giải phóng mặt bằng... mục tiêu có thể khởi công một số gói thầu trong các năm 2028, 2029.
Theo quy hoạch, đường sắt kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia, trong đó, ưu tiên sẽ đầu tư đường sắt kết nối ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) tạo thuận lợi cho hàng hóa từ Việt Nam đi thẳng châu Âu sẽ được đầu tư giai đoạn này. Bên cạnh đó, đầu tư đường sắt kết nối cảng biển, cảng hàng không...
Trách nhiệm sắp tới của Bộ Giao thông vận tải là phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch. Trong đó, xây dựng quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, chi tiết hơn, lộ trình cụ thể hơn. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ cơ chế huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách Nhà nước như vốn ODA, vốn các nhà đầu tư, vốn xã hội để thực hiện quy hoạch.
Theo đó, đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%. Khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40%, trong đó, đường sắt quốc gia 21,5 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 1,87%.
Khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 7,35 tỷ tấn.km, chiếm thị phần khoảng 1,38%; hành khách 13,8 tỷ khách.km,chiếm thị phần khoảng 3,55%, trong đó đường sắt quốc gia 8,54 tỷ khách.km, chiếm thị phần khoảng 2,22%.