September 07, 2022 | 07:36 GMT+7

Ngân sách trợ lực "khủng" gần 100.000 tỷ đồng thông qua thuế và phí

Ánh Tuyết -

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính hết tháng 8, các loại thuế gia hạn ước đạt 52 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, số tiền miễn, giảm thuế các loại lớn chưa từng có, lên đến 47,87 nghìn tỷ đồng...

Số tiền miễn, giảm thuế 8 tháng đầu năm gần 50.000 tỷ như: giảm 2% thuế VAT loạt nhóm hàng; giảm 50% lệ phí trước bạ xe ô tô sản xuất trong nước...
Số tiền miễn, giảm thuế 8 tháng đầu năm gần 50.000 tỷ như: giảm 2% thuế VAT loạt nhóm hàng; giảm 50% lệ phí trước bạ xe ô tô sản xuất trong nước...

Ngày 6/9, cung cấp thông tin về kết quả thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ Tài chính cho hay thứ nhất, về các chính sách gia hạn thuế, quy mô dự kiến khi xây dựng chính sách là 135 nghìn tỷ đồng. Tính đến hết tháng 8, các loại thuế gia hạn ước khoảng 52 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 38,5% kế hoạch.

Trong đó, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 ước khoảng 49,1 nghìn tỷ đồng (trong đó, số thuế đã nộp ngân sách nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng).

Về việc thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 32/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 ước khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng.

Thứ hai, về các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, đối với các chính sách miễn, giảm thuế thuộc chương trình phục hồi đã ban hành và triển khai thực hiện có quy mô dự kiến khi xây dựng các chính sách là 61,5 nghìn tỷ đồng.

 

Bộ Tài chính cho biết đến hết tháng 8, ước thực hiện chính sách miễn, giảm thuế thuộc chương trình phục hồi khoảng 34,97 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 56,9% kế hoạch.

Cụ thể, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022, ước khoảng 25.685 tỷ đồng.

Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021, ước khoảng 6.555 tỷ đồng.

Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay (từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022) theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ước khoảng 737 tỷ đồng.

Điều chỉnh giảm thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng theo Nghị định số 101/2021/ND-CP ngày 15/11/2021, ước khoảng 1.093 tỷ đồng.

Cùng với đó, giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí (từ ngày 01/01/2022 đến ngày 30/6/2022) nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính ước khoảng 900 tỷ đồng.

Ngoài ra, về chính sách giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do Covid-19 năm 2022, dự kiến thực hiện chính sách là 3,5 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 96/TTr-BTC ngày 6/5/2022 và Tờ trình Chính phủ số 174/TTr-BTC ngày 4/8/2022 về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do Covid-19 năm 2022.

"Đến nay, Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo quyết định này", Bộ Tài chính thông tin thêm.

Đáng chú ý, cũng theo Bộ Tài chính, do giá xăng dầu tăng đột biến trong những tháng đầu năm 2022, để kiểm soát giá cả, "hạ nhiệt" giá xăng dầu, giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn (không thuộc gói 61,5 nghìn tỷ đồng miễn, giảm thuế, phí lệ phí của chương trình phục hồi), gồm: (i) Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 có quy mô dự kiến khoảng 24 nghìn tỷ đồng; (ii) Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 7/7/2022 với quy mô dự kiến khoảng 8 nghìn tỷ đồng. Ước thực hiện các chính sách này 8 tháng đầu năm khoảng 12,9 nghìn tỷ đồng.

Nhắc về chính sách giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc từng cho biết, đây là mức giảm thuế lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh giảm thuế, làm thế nào để cân đối được tài khóa, đảm bảo các nhiệm vụ chi và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách - đó là nhiệm vụ nặng nề đối với ngành tài chính.

Thứ ba, về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 521/NQ-UBTVQH15 ngày 14/6/2022 về việc bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021; phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021.

Trong đó, bổ sung 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Nghị quyết 43/2022/QH15, được cụ thể hóa theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, Bộ Tài chính thông báo bổ sung kinh phí cho 20 địa phương với tổng kinh phí là 4.125 tỷ đồng (tạm cấp bổ sung 70%) để các địa phương thực hiện chính sách này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate