September 07, 2022 | 18:55 GMT+7

326,000 Bac Kan residents benefit from credit policies

Phúc Minh -

After 20 years of offering preferential credit policies for the poor and policy beneficiaries under government resolutions, more than 326,000 poor and near-poor households and beneficiaries in northern Bac Kan province have obtained production loans. Policy credit has contributed to a significant reduction in poverty over the years.

Photo: Illustration
Photo: Illustration

Ngày 6/9, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội nhấn mạnh, qua 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả rất quan trọng.

Nguồn lực tín dụng chính sách đã góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 326.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất; giải quyết việc làm cho trên 21.000 lao động; hỗ trợ gần 4.000 lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng trên 59.000 công trình vệ sinh và nước sạch; hỗ trợ trên 13.000 học sinh, sinh viên được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng....

Đồng thời, nguồn vốn này cũng đã hỗ trợ trên 800 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; hỗ trợ được xây dựng trên 2.900 căn nhà cho hộ nghèo và xây dựng trên 200 căn nhà cho hộ gia đình có thu nhập thấp theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP.

Vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32,64% năm 2001 xuống 12,5% năm 2005; giảm từ 50,87% năm 2006 xuống còn 17,6% năm 2010; giảm từ 32,1% năm 2011 xuống còn 11,63% năm 2015; giảm từ 29,4% năm 2016 xuống còn 17,02% năm 2020 và theo tiêu chí mới năm 2021 là 26,93%.

Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ngân sách địa phương chiếm tỷ trọng từ 8% trở lên trong tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nhân dịp này, tỉnh Bắc Kạn đề xuất Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội.

Tỉnh cũng kiến nghị bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách đối với hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình, tạo điều kiện cho các đối tượng này có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.

Đồng thời, nâng mức cho vay đối với chương trình hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với hộ gia đình từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/hộ mà không phải thế chấp tài sản.

Nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình lên 20 triệu đồng/công trình để phù hợp với giá trị xây dựng của thị trường, đảm bảo đáp ứng chi phí cần thiết để hộ dân xây dựng công trình đảm bảo chất lượng; hằng năm, bổ sung nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm cho tỉnh…

Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng đề nghị Bắc Kạn triển khai hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông cũng đề nghị tỉnh cần xây dựng kế hoạch, đề án tổng thể thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên cơ sở điều kiện thực tế của tỉnh để việc tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate