Tại sự kiện “Toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam: Nhìn lại năm 2023 và dự báo năm 2024 - Cơ hội cho ai?”, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính – bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI), đánh giá năm vừa qua đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về quy định liên quan đến thị trường bất động sản, với hàng loạt văn bản và chính sách quan trọng.
Năm của chính sách
Cụ thể, tháng 3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08 và Nghị quyết 33 để điều chỉnh quy định về trái phiếu doanh nghiệp; tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững. Đến tháng 4, tiếp tục Quyết định 388 công bố Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, Nghị định 10 cấp giấy chứng nhận cho condotel, officetel, Nghị định 12 giảm, hoãn tiền thuế đất. Tháng 6, ban hành Nghị định 35 nhằm sửa đổi các Nghị định trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng… Tới tháng 11 là các giải pháp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp (Công điện 1177), đồng thời thông qua Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.
Năm 2023 còn ghi nhận sự quan tâm lắng nghe từ phía Chính phủ và cơ quan, ban ngành đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua việc thường xuyên tổ chức hội thảo gặp gỡ tiếp xúc cùng doanh nghiệp, ngân hàng, nhà đầu tư nước ngoài…
Năm của tài khóa tiền tệ
Chính sách tài khóa năm 2023 cũng nới lỏng hơn. Tiêu biểu như việc thực hiện giải pháp giãn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm qua ước khoảng 200 nghìn tỷ đồng; triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, lãi suất huy động đã giảm xuống mức thấp nhất trong thập kỷ qua và lãi suất cho vay dần tiệm cận với mức đầu năm 2022.
Năm của ngoại giao
Năm 2023, Việt Nam đạt được những bước tiến vượt bậc về mặt ngoại giao khi nâng tầm mối quan hệ, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện với 3 cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc. Mặt khác, năm vừa qua, Việt Nam cũng tiếp đón nhiều nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao từ các quốc gia: Mỹ, Trung Quốc, Úc, Cuba, Nga, Hàn Quốc, Kazakhstan, Singapore... Những hoạt động này không chỉ tạo ra cơ hội mới mà còn giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, đây là năm Việt Nam xúc tiến nhiều hiệp định thương mại tự do và được xếp là 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất…
Từ nỗ lực trên, Việt Nam dần trở thành điểm sáng thu hút đầu tư, trong đó, thu hút vốn FDI vào ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn, thuộc top đầu các ngành nghề thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Năm của đầu tư công
Với chiến lược tập trung cho cơ sở hạ tầng và giải ngân đầu tư công tối đa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, số tiền giải ngân đầu tư công năm 2023 là 579.848,8 tỷ đồng (tăng hơn 240 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2022), đạt 73,5% kế hoạch năm.
Theo đó, năm 2023 có số lượng tuyến cao tốc khánh thành nhiều nhất, góp phần hoàn thiện mạng lưới cao tốc Bắc - Nam. Tiến độ khởi công, hoàn thiện các công trình hạ tầng giao thông được đẩy nhanh với khoảng 11 dự án lớn trên khắp cả nước. Những công trình có tính liên kết vùng như: cao tốc QL 45 -Nghi Sơn, Tuyên Quang - Phú Thọ, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Phan Thiết - Dầu Giây… cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng. Đồng thời, hoạt động khởi công một số công trình giao thông trọng điểm quốc gia gồm: sân bay Long Thành, cầu Mỹ Thuận 2, nhà ga T2 Phú Bài, các nút giao thông lớn tại thành phố lớn đã tạo ra hiệu ứng rất tích cực cho thị trường nói chung.
Ngoài ra, việc xúc tiến hoàn thiện quy hoạch tổng thể, phương án triển khai và gọi vốn cho các dự án quy mô lớn là: tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, tuyến Metro tại Hà Nội và TP.HCM… cũng thể hiện quyết tâm của nhà nước trong việc phát triển hạ tầng đồng bộ, góp phần gia tăng tính kết nối liên vùng, kích thích sự phát triển đồng đều, bền vững tại tất cả các địa phương. Đây được xem như động lực cho sự phát triển của bất động sản, du lịch và ngành sản xuất, công nghiệp, logistic…
Năm của chấn chỉnh, xử lý sai phạm
Năm 2023, Chính phủ tập trung rà soát, thanh tra, xử lý sai phạm trong các hoạt động thuộc lĩnh vực bất động sản trên toàn quốc, bao gồm: hoạt động giao đất, đấu giá, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, huy động vốn, phát hành trái phiếu, cũng như các diễn biến trên thị trường chứng khoán, bán hàng, chuyển nhượng dự án, xây dựng, vận hành và phòng cháy chữa cháy... Không có vùng cấm nào trong điều tra, xử lý sai phạm, kể cả các cơ quan, cá nhân, lãnh đạo đơn vị từ Trung ương đến địa phương, chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản, ngân hàng, đơn vị phát hành trái phiếu, đơn vị môi giới, nhà thầu thi công và đơn vị vận hành... Năm 2023, nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử và mở rộng phạm vi điều tra để giải quyết tận gốc, điển hình là vụ án tại FLC, Vạn Thịnh Phát, SCB, Tân Hoàng Minh, Nhật Nam…
Thực tế, hàng loạt hoạt động thanh kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong ngắn hạn đã làm chậm lại hoạt động kinh doanh bất động sản ở hiện tại, đặc biệt ảnh hưởng đến tâm lý của khách hàng, nhà đầu tư. Tuy nhiên khi nhìn về dài hạn, đây là nỗ lực lớn của Nhà nước nhằm giúp thị trường bất động trở thành sân chơi minh bạch, công bằng, an toàn cho tất cả các bên.