May 29, 2024 | 15:58 GMT+7

5 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại TP.HCM đạt gần 460.000 tỷ đồng

Phạm Vinh -

Các chỉ số kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh đang cho thấy sự khởi sắc. Các lĩnh vực như bất động sản, du ịch, bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng đã và đang tăng trưởng...

5 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ TP.HCM đạt gần 460.000 tỷ đồng - Ảnh minh họa siêu thị Emart Gò Vấp.
5 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ TP.HCM đạt gần 460.000 tỷ đồng - Ảnh minh họa siêu thị Emart Gò Vấp.

Cục Thống kê TP.HCM vừa công bố Báo cáo kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024. Theo đó, lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại TP.HCM ước đạt gần 460.000 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ.

Trong đó, tháng 5/2024 ước đạt hơn 93.000 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ. Doanh thu từ bán lẻ hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt hơn 44.000 tỷ đồng, chiếm 47,9% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 7 % so với cùng kỳ.

Đặc biệt, các nhóm ngành đều tăng nhưng nhóm ngành có mức tăng cao nhất: Đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 12,7%; nhóm xăng, dầu các loại tăng 23,7%; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 13,5%.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa của TP.HCM ước đạt gần 220.000 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Một số nhóm có mức tăng cao như nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình, gỗ và vật liệu xây dựng, đá quý, kim loại quý và sản phẩm.

Riêng doanh thu nhóm du lịch lữ hành giảm nhẹ so với tháng trước do nhu cầu du lịch của người dân tăng cao trong kỳ nghĩ lễ của tháng 4. Cụ thể, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống trong tháng 5/2024 ước đạt hơn 10.500 tỷ đồng, chiếm 11,3% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 2,8% so với tháng trước. Doanh thu lưu trú giảm 1,1% so với tháng trước và tăng 24,8% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 3,5% so với tháng trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu lưu trú và ăn uống ước đạt hơn 51.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Trong đó, lưu trú tăng gần 50% và dịch vụ ăn uống tăng 3,8%. Doanh thu từ dịch vụ lữ hành ước đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 65 % so với cùng kỳ. Chỉ riêng tháng 5/2024 ước đạt hơn 3.247 tỷ đồng, tăng 47,8% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ khác trong 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 172.000 tỷ đồng, tăng 8,6%. Trong đó, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản ước đạt hơn 101.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59% trong doanh thu dịch vụ khác, tăng 7,4%. 

Liên quan tới giải ngân vốn đầu tư công, theo Cục Thống kê TP.HCM, ước tính đến hết tháng 5/2024, TP.HCM đã giải ngân đạt 10.895,2 tỷ đồng, đạt 13,7% Kế hoạch và tăng 18% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt 9.230,3 tỷ đồng, đạt 13,1% Kế hoạch).

Năm 2024, TP.HCM được giao khoảng 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Ngay từ đầu năm, UBND TP.HCM cùng các chủ đầu tư, sở ngành quận huyện và các nhà thầu tổ chức họp hàng tuần để giải quyết các vướng mắc dự án, thúc đẩy giải ngân.

Trong đó, Thành phố tập trung tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng, khơi thông các nguồn lực, tìm giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cát; khép kín các đoạn của Vành đai 2 dở dang, tăng tốc triển khai Vành đai 3, hoàn thành thử nghiệm tuyến Metro số 1 và tiến tới hoàn tất bàn giao mặt bằng cho dự án Metro số 2.

Mới đây nhất, Chủ tịch UBND Thành phố tiếp tục có văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương, Ban Quản lý đường sắt đô thị, các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc UBND Thành phố và các chủ đầu tư dự án thực hiện nghiêm, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu công khai các dự án giải ngân 0% của Bộ Tài chính và các văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố. Đồng thời, mỗi tháng Thành phố sẽ phải giải ngân ít nhất 10.000 tỷ đồng.

Được biết, tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã hoàn thành hơn 98% khối lượng. Trong đó, ga ngầm Bến Thành đã cơ bản hoàn thiện, chờ bàn giao trước khi vận hành. Dự án có tổng cộng 9 cầu bộ hành kết nối các ga trên cao, trong đó 2 cầu bộ hành đã hoàn thiện kiến trúc, dự kiến trong tháng 5/2024 sẽ hoàn thiện thêm 3 cầu kết nối.

Đối với dự án tuyến đường sắt Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), công tác di dời, bàn giao mặt bằng đạt hơn 90%, các nhà thầu đang di dời và tái lập hạ tầng kỹ thuật để chuẩn bị khởi công các gói thầu chính vào năm 2025. Dự kiến tháng 7/2024 hơn 400 cây xanh sẽ bị chặt hạ, di dời để lấy mặt bằng thi công dự án.

Dự án Thành phần 2 đường Vành đai 3 Thành phố đang được đẩy nhanh tiến độ bồi thường. Hiện mặt bằng bàn giao đạt 98,4%. Còn dự án Thành phần 1 đường Vành đai 3 được chia làm 14 gói thầu xây lắp, trong đó có 10 gói thầu xây lắp chính đã đấu thầu xong và đang triển khai đảm bảo đúng tiến độ dự án.

Đối với dự án thành phần Cầu Nhơn Trạch - cầu lớn nhất nối TP.HCM và Đồng Nai, dự án này đã bước sang giai đoạn lao lắp dầm, hiện đạt 70% khối lượng sau 19 tháng thi công, mặt bằng xây dựng đoạn qua Thành phố đã bàn giao toàn bộ cho công tác thi công.

Đối với dự án mở rộng Quốc lộ 50, dự án gồm 7 gói thầu xây lắp và 4/7 gói xây lắp làm đường song hành Quốc lộ 50 đạt khoảng 53% khối lượng và dự kiến hoàn thành trong năm 2024 và 3/7 gói thầu mở rộng Quốc lộ 50 hiện hữu dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate