Theo báo cáo của Bain & Co., Trung Quốc không còn là nước tiêu thụ cuồng nhiệt các mặt hàng xa xỉ được sản xuất hàng loạt, trong khi với khách hàng phương Tây, trải nghiệm mua sắm mới là quan trọng nhất. Trải nghiệm có thể là việc mua một đôi giày được đấu giá như tác phẩm nghệ thuật hay được chiều chuộng trong phòng mua sắm riêng tư dành cho khách VIP.
Khi sự sang trọng trở nên phổ biến, khách hàng siêu sang muốn thứ gì đó hoàn toàn khác biệt và mang tính cá nhân. Giovanni Maria Castelli, giám đốc của một thương hiệu nước hoa cao cấp, nói: "Điều quan trọng bây giờ là trải nghiệm của khách ở cửa hàng. Chúng tôi chỉ có thể bán được hàng ở những nơi khác biệt, sáng tạo và có điều gì đó mới mẻ". Trong bối cảnh này, các chuyên gia kinh tế cũng như những tờ báo hàng đầu mới đây đã đưa ra các dự đoán cho ngành xa xỉ phẩm vào năm 2024.
NHU CẦU GIẢM DO THẮT CHẶT CHI TIÊU
Doanh số bán hàng của các thương hiệu xa xỉ và nhà bán lẻ trong mùa mua sắm cuối năm 2023 cho thấy, người dân Mỹ và châu Âu vẫn sẽ có xu hướng cắt giảm chi tiêu cao cấp, trong khi tại Trung Quốc tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục ở giới trẻ và cuộc khủng hoảng bất động sản khiến ngành hàng xa xỉ ở nước này trở nên khó khăn hơn. Công ty nghiên cứu thị trường Forrester dự đoán sang năm 2024, khách hàng sẽ rèn luyện nhận thức và tiêu xài bình tĩnh hơn sau cơn bão “mua sắm trả thù".
Theo đó, việc tìm kiếm giá trị của sản phẩm sẽ định hướng tư duy mua hàng của người tiêu dùng trên toàn cầu. Bên cạnh nỗ lực tiết kiệm tiền, họ vẫn sẽ không ngừng mua sắm nhưng luôn mong đợi tối đa hoá giá trị nhận được từ sản phẩm, dịch vụ. Điều này được thể hiện không chỉ ở việc khách hàng chuyển đổi mua sắm tại cửa hàng và thương hiệu tốt mà còn là thông qua việc dùng thử, mặc thử sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến, tìm kiếm nhận xét từ các khách hàng khác, hay nhận ưu đãi và chờ đợi chương trình giảm giá.
TÍNH BỀN VỮNG TIẾP TỤC ĐƯỢC ĐỀ CAO
Theo tờ Business Insider, khách hàng ngày càng nhận được thức được tác động mà việc mua hàng gây ra đối đối với môi trường. Đồng thời, họ muốn hỗ trợ doanh nghiệp "coi sự bền vững và trách nhiệm là giá trị cốt lõi”. Điều này thể hiện ở việc khách hàng xem xét đến toàn bộ vòng đời sản phẩm, từ khâu tìm nguồn nguyên liệu, sản xuất và phân phối đến việc tái chế, tái sử dụng….
Đồng thời, với sự chú trọng ngày càng tăng về trách nhiệm xã hội, ngành công nghiệp xa xỉ vào năm 2024 dự kiến sẽ chứng kiến sự thay đổi thậm chí còn lớn hơn theo hướng bền vững. Mark Sandys, Giám đốc đổi mới của Diageo, nhận xét: người tiêu dùng đang tập trung vào trách nhiệm xã hội của các công ty bao giờ hết. Điều này thể hiện ở việc họ ủng hộ các thương hiệu địa phương có khả năng tạo ra việc làm, cũng như doanh nghiệp thể hiện cam kết giải quyết tình trạng bất bình đẳng xã hội, đặc biệt là hỗ trợ quyền LGBTQ+ và chống phân biệt chủng tộc.
CÔNG NGHỆ CẤT TIẾNG NÓI
Lĩnh vực xa xỉ sẽ tiếp tục phát triển kỹ thuật số, tận dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR) và trí tuệ nhân tạo (AI) được dự đoán sẽ đóng vai trò then chốt, mang lại trải nghiệm mua sắm trực tuyến phong phú và tương tác cá nhân hóa. Dịch vụ khách hàng dành cho những người chi tiêu nhiều nhất sẽ là yếu tố then chốt, với không gian mua sắm riêng tư, hỗ trợ trò chuyện 24/7 và dịch vụ trợ giúp kỹ thuật số.
Ngoài ra, VR và AI còn định hình cách mọi người tương tác với thương hiệu. Con người đang chi tiền cho những trải nghiệm và hàng hoá kỹ thuật số nhiều hơn. Họ sử dụng VR và AR (tương tác thực tế ảo) để thử quần áo trước khi mua hoặc để hình dung những món đồ nội thất mới sẽ như thế nào trong nhà mình, nhận được các đề xuất mua sắm được cá nhân hoá do AI tạo ra. Bên cạnh đó, Chatbot AI giúp thương hiệu tăng tương tác và hỗ trợ thông tin nhanh hơn tới khách hàng.
TÍNH ĐỘC QUYỀN ĐỒNG NGHĨA VỚI CÁ NHÂN HÓA
Các thương hiệu truyền thống có khởi đầu thuận lợi khi sự sang trọng được định nghĩa lại theo hướng “xa xỉ thầm lặng”, người mua hàng chuyển từ yêu thích các sản phẩm có logo bắt mắt sang những sản phẩm có chất lượng và tuổi thọ cao. Khái niệm độc quyền vì thế có thể sẽ được xác định lại, tập trung nhiều hơn vào tính vượt thời gian, tính toàn diện và cá nhân hóa. Các thương hiệu xa xỉ có thể khám phá các phiên bản giới hạn, sự hợp tác độc quyền và các dịch vụ đặt riêng để đáp ứng sở thích đa dạng của người tiêu dùng và nuôi dưỡng cảm giác cá tính.
Bên cạnh đó, việc một thương hiệu xa xỉ tăng giá quá nhiều cũng có thể khiến khách hàng chỉ trích, từ đó đẩy thương hiệu đối mặt với rủi ro. Chính sách này có thể dễ dàng được chấp nhận nếu thương hiệu cho người dùng thêm những trải nghiệm đặc biệt, độc quyền. Còn không, họ sẽ bị đánh giá là đang trở nên “tham lam và thiếu trách nhiệm". Chuyên gia D'Arpizio, đồng tác giả báo cáo thị trường hàng xa xỉ của Bain&Co, lưu ý rằng sự phục hồi của du lịch sau đại dịch đã khiến nhiều người đam mê trải nghiệm sang trọng hơn trong năm 2023 - một xu hướng dự kiến sẽ tiếp tục phát triển trong năm tới.
TÌNH THẾ SIÊU CẠNH TRANH
Theo tờ Jing Daily, ngành thời trang xa xỉ đang ở trong thời kì chuyển giao – là lúc mà khách hàng ngày càng sành điệu và ít có xu hướng chỉ trung thành với một thương hiệu duy nhất. Điều này một phần được thúc đẩy bởi Gen Z, những người sẽ vượt qua thế hệ millennials về mặt chi tiêu và trở thành nhóm khách hàng số một trong danh mục xa xỉ phẩm vào đầu thập kỷ tới. Các thương hiệu không phù hợp với Gen Z hiện tại từ chiến lược đến câu chuyện thương hiệu sẽ có nguy cơ rời khỏi cuộc chơi này.
Qua đó có thể thấy rằng "cuộc chiến sinh tồn" trong năm 2024 sẽ tàn khốc hơn năm 2023. Tình trạng siêu cạnh tranh càng thấy rõ khi thị trường đang dần đón nhận nhiều người chơi mới và công nghệ mới, kéo theo sở thích của khách hàng thay đổi nhanh chóng và những thay đổi lớn trong mô hình tiêu dùng toàn cầu. 95% quyết định mua hàng xa xỉ bị ảnh hưởng qua hành trình công nghệ, do đó trong năm tới các thuật toán được xem như là “người gác cổng” giữa thương hiệu và khách hàng. Ngoài ra, căng thẳng chính trị cũng khiến các nhà mốt khó tập trung vào các khu vực có thị phần quá nhỏ.