Theo đó, Amazon chính thức đăng quang ngôi vị thương hiệu có giá trị nhất thế giới năm 2023, với giá trị ước tính là 299,28 tỷ USD. “Gã khổng lồ” thương mại điện tử Mỹ đã vượt qua người chiến thắng của năm ngoái là Apple để chiếm ngôi vị đầu bảng. So với năm 2022, Apple đã mất 16% giá trị xuống còn 297,51 tỷ USD. Google đứng thứ ba, tăng giá trị gần 18 tỷ USD kể từ năm ngoái để chạm mốc 231,38 tỷ USD.
Cùng lúc đó, tờ WSJ đưa tin, Amazon cũng đã giành “ngôi vương” là doanh nghiệp giao hàng lớn nhất nước Mỹ, vượt qua cả UPS và FedEx, xét về khối lượng bưu kiện. Theo dữ liệu nội bộ của Amazon, trước Lễ tạ ơn năm nay, Amazon đã giao hơn 4,8 tỷ gói hàng ở Mỹ và các dự đoán nội bộ của công ty dự đoán rằng họ sẽ giao khoảng 5,9 tỷ gói hàng vào cuối năm nay. Năm ngoái Amazon đã vận chuyển 5,2 tỷ gói hàng.
Amazon đã chuyển sang khu vực hóa mạng lưới hậu cần của mình để giảm khoảng cách các gói hàng di chuyển khắp nước Mỹ nhằm nỗ lực đưa sản phẩm đến tay khách hàng nhanh hơn và cải thiện lợi nhuận. Giám đốc tài chính Amazon Brian Olsavsky cho biết trong bản ghi âm cuộc họp toàn công ty hồi đầu tháng này rằng: "Những cải thiện về tốc độ giao hàng này là động lực tăng trưởng chính và dẫn đến tần suất mua hàng của các thành viên Prime của chúng tôi tăng lên".
Bên cạnh đó, là nhà cung cấp dịch vụ đám mây hỗ trợ trung tâm dữ liệu cho AI, giá cổ phiếu của Microsoft, Amazon và Google trong năm nay cũng được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh trung tâm dữ liệu do nhu cầu AI thúc đẩy. Giá cổ phiếu của Amazon đã tăng hơn 80% trong năm nay, Google và Microsoft cũng tăng khoảng 60%.
Năm 2023, cổ phiếu công nghệ Mỹ bất ngờ phục hồi sau "khủng hoảng lợi nhuận" và "làn sóng sa thải" năm 2022. Sự phát triển của AI đã khiến chứng khoán Mỹ tăng vọt và khiến giá cổ phiếu của các công ty công nghệ đạt kỷ lục. Tính đến cuối tuần cuối cùng của năm 2023 trước khi thị trường Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, tổng giá trị thị trường của 7 công ty công nghệ (Big7), bao gồm Apple, Google, Microsoft, Amazon, Meta, Nvidia và Tesla, đã vượt 12.000 tỷ USD.
Và đó hẳn là một phần lý do khiến trong số 10 thương hiệu toàn cầu giá trị nhất, có tới 7 cái tên đến từ Mỹ. Ngoài 3 vị trí top đầu nêu trên là Microsoft (xếp thứ 4, giá trị 191,5 tỷ USD), Walmart (xếp thứ 5, giá trị 113,7 tỷ USD), Verizon (xếp thứ 8, giá trị 67,4 tỷ USD) và Tesla (xếp thứ 9, giá trị 66,2 tỷ USD). Thương hiệu không phải của Mỹ có giá trị nhất thế giới là Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, đứng ở vị trí thứ 6, với giá trị ước tính là 99,66 tỷ USD vào năm 2023. Gã khổng lồ điện tử đã mất 7,62 tỷ USD giá trị kể từ năm 2022 nhưng vẫn duy trì được vị thế vững chắc.
Các vị trí còn lại trong top 10 tới từ 2 thương hiệu Trung Quốc, bao gồm ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) ở vị trí thứ 7 với giá trị khoảng 69,5 tỷ USD và công ty truyền thông xã hội ByteDance sở hữu TikTok/Douyin ở vị trí thứ 10, giá trị 65,7 tỷ USD.
Deutsche Telekom của Đức đứng thứ 11 trên thế giới và số 1 ở châu Âu về giá trị thương hiệu (62,63 tỷ USD) và nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đứng thứ 19 trên toàn cầu với giá trị 52,49 tỷ USD. Đáng chú ý, thương hiệu Facebook của công ty Meta năm nay đã tụt xuống vị trí thứ 14, khi giá trị thương hiệu giảm 41% xuống còn chưa đầy 59 tỷ USD.
Tuy nhiên, bất chấp sự hiện diện còn có phần hạn chế trong Top 20, nhưng các quốc gia và công ty Châu Âu vẫn đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu rộng lớn hơn của TradingPedia. Trong đó, chỉ có 30 trong số 195 quốc gia có ít nhất một thương hiệu nằm trong danh sách Top 500 toàn cầu và gần một nửa trong số đó (14) là ở châu Âu. Theo TradingPedia, chỉ khoảng 20 quốc gia có hơn 3 thương hiệu nằm trong Top 500, bao gồm: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Anh, Ả Rập Saudi, Ấn Độ, Pháp, Canada, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Nga, UAE, Úc, Thụy Sĩ, Singapore, Brazil và Hà Lan.
Mỹ và Trung Quốc rõ ràng là những quốc gia dẫn đầu trên trường thế giới, lần lượt chiếm 202 và 79 trong số 500 thương hiệu hàng đầu. Khi nhìn vào Top 100, hơn một nửa (53) đến từ Mỹ và 22 thương hiệu đến từ Trung Quốc. Đức có 7 thương hiệu lọt vào Top 100, tiếp theo là Nhật Bản với 6, Hàn Quốc với 4 và Anh Quốc với 3.
Khi nhìn vào toàn bộ các ngành, ngân hàng là lĩnh vực chiếm ưu thế khi xem xét số lượng thương hiệu, theo TradingPedia. Khoảng 14,2% tổng số thương hiệu trong Top 500 là các công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng, trong khi 10% là trong lĩnh vực bán lẻ. Tuy nhiên, khi nhìn vào giá trị tổng thể, lĩnh vực công nghệ và bán lẻ tiếp tục đứng đầu, với các thương hiệu công nghệ chiếm khoảng 13,4% tổng giá trị của 500 công ty hàng đầu và các thương hiệu bán lẻ chiếm 13,2%.
Cứ vào dịp cuối năm, TradingPedia lại công bố bản đồ những thương hiệu toàn cầu có giá trị nhất thế giới trong năm. Theo đó, nhóm nghiên cứu tại TradingPedia xem xét các công ty lớn nhất tại các thị trường hàng đầu, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Đức và vương quốc Anh, sau đó xác định được những thương hiệu lớn nhất ở tổng số 45 quốc gia xét về mặt giá trị và tạo ra một bản đồ trực quan hóa các thương hiệu hàng đầu toàn cầu vào năm 2023. Trong một diễn biến liên quan, TradingPedia cho biết Viettel là thương hiệu Việt Nam duy nhất lọt top 500 thương hiệu toàn cầu, với giá trị khoảng 8,9 tỷ USD.
Năm 2023 đang dần đi tới hồi kết và khi năm 2024 đến gần, hiện các nhà đầu tư muốn biết liệu ngành công nghệ Mỹ có còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm tới hay không. Morgan Stanley tỏ ra khá lạc quan, công ty môi giới này cho biết chứng khoán Mỹ có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm tới khi các nhà đầu tư tiếp tục tăng đặt cược vào các công ty công nghệ. Morgan Stanley chỉ ra rằng chỉ số S&P 500 hiện gần như quay trở lại mức đầu năm 2022 và Big7 có thể tiếp tục tăng trong năm 2024, bởi các công ty này có hiệu suất thu nhập rất tốt và dự kiến sẽ mua lại một số lượng lớn số cổ phiếu vào năm tới.