Khảo sát nguồn nhân lực an toàn thông tin của Chi hội An toàn Thông tin (VNISA) phía Nam mới đây cho thấy, tỷ lệ đơn vị có chuyên gia với chứng chỉ liên quan đến an toàn thông tin trong năm 2021 là 69%, cao hơn năm 2020 (61%); 51% đơn vị tham gia khảo sát năm 2021 có 1-5 chuyên gia với chứng chỉ liên quan đến an toàn thông tin, cao hơn năm 2020 (42%). .
TS.Trần Minh Triết, Phó Chủ tịch Chi hội VNISA phía Nam, cho biết: các tổ chức doanh nghiệp đã quan tâm hơn và tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trong hoạt động doanh nghiệp. Cụ thể, 71% tổ chức được khảo sát đã có đơn vị/bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin trong khi tỷ lệ này năm ngoái chỉ có 44%; 59% các tổ chức dự kiến thuê ngoài (out-source) các dịch vụ về bảo đảm an toàn thông tin… tuy nhiên, nhân sự an ninh mạng khan hiếm do gia tăng các mối đe dọa bảo mật.
Bên cạnh đó, 81% các đơn vị tham gia khảo sát của VNISA phía nam năm 2021 đã tập huấn, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dùng tại đơn vị như tập huấn xử lý sự cố an toàn thông tin, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho cán bộ nhân viên, đưa việc bảo đảm an toàn thông tin vào các quy định chung của tổ chức,…
NHÂN SỰ AN NINH THÔNG TIN ĐƯỢC SĂN ĐÓN
Tình hình tấn công mạng và tấn công liên quan tới Covid-19 gia tăng trong thời gian vừa qua. Đa số các mã độc được “sinh ra” từ công cụ đóng và mã độc tống tiền là một trong những nguy cơ mất an toàn thông tin đáng báo động. Đặc biệt, tình trạng mã độc sử dụng chuỗi cung ứng (supply chain) để phát tán và tấn công.
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đặt ưu tiên cao cho vấn đề an ninh mạng và đã bổ nhiệm phó cố vấn an ninh quốc gia thứ nhất của Mỹ về mạng, Anne Neuberger, người đã dẫn đầu các cuộc điều tra liên bang về các cuộc tấn công SolarWinds và Exchange.
Mới đây, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS), một cơ quan quan trọng về an ninh mạng, vừa công bố một hệ thống mới sẽ giúp cơ quan này tuyển dụng, phát triển và đào tạo lại những chuyên gia về an ninh mạng trong chính phủ liên bang. Chương trình này có tên gọi Hệ thống quản lý nhân tài an ninh mạng (CTMS).
CTMS sẽ tìm kiếm và giữ chân nhân tài cho các vị trí quan trọng với mục tiêu tuyển dụng 150 vị trí ưu tiên trong suốt năm 2022 làm việc tại Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA) và Văn phòng Giám đốc thông tin của DHS. Sau đó vào năm 2022, DHS sẽ tuyển dụng các vị trí làm công tác liên quan đến bảo mật mạng cho các cơ quan thuộc DHS.
Theo Báo cáo Lương và Kỹ năng công nghệ thông tin năm 2021 (Global Knowledge 2021 IT Skills and Salary Report) của Skillsoft, 76% các giám đốc công nghệ thông tin trên toàn thế giới đang phải đối mặt với những lỗ hổng kỹ năng quan trọng trong bộ phận của họ, tăng 145% kể từ năm 2016. Đồng thời, 50% bộ phận công nghệ thông tin cho biết an ninh mạng là lĩnh vực đầu tư quan trọng nhất, tiếp theo là điện toán đám mây.
Hãng nghiên cứu IDC dự báo vào năm 2022, thiệt hại về tiền do thiếu hụt kỹ năng công nghệ thông tin sẽ là 775 tỷ USD trên toàn thế giới. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo công nghệ thông tin được khảo sát, 50% doanh nghiệp đang tích cực đầu tư vào các hệ thống và nền tảng an ninh mạng mới. 6 năm liên tiếp vừa qua, chuyên gia an ninh mạng là những nhân lực được săn đón nhiều nhất trên toàn cầu.
Microsoft cũng dự báo, tỷ lệ ứng dụng công nghệ đám mây đang tăng cao hơn so với quy mô đào tạo. Vì vậy, các nhà lãnh đạo về công nghệ thông tin rất khó tìm ra những cá nhân phù hợp để bắt kịp với nhu cầu công nghệ đang phát triển. Các chuyên gia công nghệ thông tin hiểu biết về điện toán đám mây, an ninh mạng, phân tích và dữ liệu lớn (Big Data) cũng như kỹ năng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML) đang được các công ty, tổ chức săn đón thường xuyên.