November 25, 2021 | 15:42 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: An toàn thông tin mạng là điều kiện tiền đề để chuyển đổi số thành công

Nhĩ Anh -

Trong 3-5 năm tới đây sẽ là giai đoạn quyết định thành bại của quá trình chuyển đổi số quốc gia. An toàn thông tin mạng là điều kiện tiền đề để chuyển đổi số thành công...

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2021
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2021

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2021 diễn ra sáng 25/11/2021 với chủ đề "An toàn thông tin trong chuyển đổi số- thách thức và giải pháp", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh thông điệp: "Muốn an toàn thì phải làm cho chuyển đổi số quốc gia an toàn".

MUỐN AN TOÀN THÌ PHẢI DÙNG NHIỀU HƠN VÀ CHẤP NHẬN RỦI RO

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trung bình mỗi năm, mỗi người trên thế toàn cầu bị 3-4 cuộc tấn công mạng. Việt Nam có trên 90 triệu máy điện thoại thông minh, hàng chục triệu PC, laptop, máy tính bảng… nhưng đa số các thiết bị cá nhân này chưa được cài phần mềm bảo vệ. Bên cạnh đó còn có gần 3 triệu camera và đã có những hình ảnh riêng tư bị lộ lọt trên mạng. Rất nhiều camera chưa được đánh giá an toàn thông tin và chưa được cài đặt chức năng bảo mật.

 
Lộ lọt thông tin vẫn có thể xảy ra nhưng cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro là tăng cường sử dụng công nghệ số chứ không phải không dùng. Phải thông qua dùng thì vấn đề mới bộc lộ ra và từ đó mà hoàn thiện. Các quốc gia phát triển có khả năng chống đỡ tốt hơn vì đã sử dụng sớm hơn, vấn đề bộc lộ sớm hơn và hệ thống được hoàn thiện sớm hơn. 

Trên thế giới, mới có 60% dự án phát triển phần mềm áp dụng qui trình Phát triển- An toàn thông tin - vận hành. Ở Việt Nam, con số này còn thấp hơn nhiều. Vì vậy, còn rất nhiều những lỗi lập trình sơ đẳng đã gây mất an toàn thông tin nghiêm trọng. Nếu những phần mềm này là các nền tảng số quốc gia thì hậu quả là rất lớn.

Cũng trong giai đoạn Covid-19 vừa qua, khi chuyển đổi số được thúc đẩy thì vấn đề lừa đảo trực tuyến cũng tăng mạnh. Trên thế giới đã ghi nhận có hơn 2 triệu website lừa đảo. Ở Việt Nam, từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021, Cục An toàn thông tin đã phát hiện và xử lý 816 website lừa đảo giả mạo ngân hàng.

Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng “muốn an toàn thì phải ý thức về sự không an toàn”. Đồng thời, “muốn an toàn thì phải dùng nhiều hơn chứ không phải không dùng hay dùng ít đi”.

Lộ lọt thông tin vẫn có thể xảy ra nhưng cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro là tăng cường sử dụng công nghệ số chứ không phải là không dùng. Phải thông qua dùng thì vấn đề mới bộc lộ ra và từ đó hoàn thiện. Bộ trưởng nhấn mạnh điều này và cho biết, các quốc gia phát triển có khả năng chống đỡ tốt hơn vì họ đã sử dụng sớm hơn, vấn đề bộc lộ sớm hơn và hệ thống được hoàn thiện sớm hơn. Đi đầu về sử dụng công nghệ số và luôn quan tâm đến an toàn thông tin mới là cách tiếp cận đúng.

Cũng theo người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông, “muốn an toàn thì cũng phải chấp nhận rủi ro”. Câu chuyện lộ lọt thông tin của các nền tảng số lúc nào cũng có, giống như trong đời sống thực, luôn có trộm cắp, rủi ro. Việc quản lý rủi ro cũng kèm theo chi phí, rủi ro thấp đi với chi phí cao. Bởi vậy luôn phải tính toán cấp độ an toàn thông tin phù hợp cho từng hệ thống công nghệ thông tin.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra khuyến nghị về mô hình 4 lớp để bảo vệ hệ thống công nghệ thông tin gồm nhân lực tại chỗ, bảo vệ của doanh nghiệp chuyên trách về an toàn thông tin, kiểm tra tuân thủ của doanh nghiệp kiểm toán an toàn thông tin và giám sát của Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

5 BÀI HỌC AN TOÀN THÔNG TIN TỪ COVID-19

Chuyển đổi số quốc gia là toàn dân và toàn diện, là tất cả các ngành, các lĩnh vực và mọi người dân. Vì vậy, thị trường vô cùng rộng lớn, là cơ hội cho các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng phát triển. “Bảo vệ Việt Nam thì tốt nhất vẫn là vũ khí Việt Nam và theo cách Việt Nam. Người Việt Nam có cảm thấy an toàn khi chuyển đổi số hay không là phụ thuộc vào các nền tảng số Việt Nam có độ an toàn cao, phụ thuộc vào sự bảo vệ của các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam”, Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, muốn an toàn thì mọi phần mềm, mọi nền tảng số quốc gia phải được phát triển an toàn, được đánh giá an toàn và được sử dụng an toàn. An toàn phải được xuất hiện trong mọi khâu, từ phát triển đến đánh giá và đến sử dụng. Tất cả các khâu này phải tuân theo các chuẩn về an toàn thông tin. Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông phải ban hành các chuẩn này và tổ chức đánh giá. Hàng năm, Việt Nam sẽ vinh danh top 50 chuyên gia bảo mật có đóng góp cho việc phát hiện lỗ hổng bảo mật của các nền tảng số quốc gia…

 
An toàn thông tin mạng là điều kiện tiền đề để chuyển đổi số thành công. Sứ mệnh bảo đảo an toàn thông tin mạng cho Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được trao cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam, các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ số, các chuyên gia an toàn thông tin Việt Nam. Chúng ta hãy cùng chung tay bảo đảm không gian mạng Việt Nam an toàn, lành mạnh.

Chuyển đổi số quốc gia bao gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tại Ngày An toàn thông tin năm nay, Bộ trưởng yêu cầu cần làm rõ, đảm bảo an toàn thông tin cho các nền tảng số quốc gia như thế nào, đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử, đảm bảo an toàn cho các thiết bị truy cập Internet của người dân. Không chỉ là nhận thức nữa mà phải là làm như thế nào một cách thiết thực, hiệu quả.

Covid-19 là một thảm hoạ toàn cầu nhưng theo ông Hùng, nó cũng dạy cho chúng ta những bài học về an toàn thông tin.

Thứ nhất, mỗi giây đều có giá trị. Do dự, chậm trễ trong dịch bệnh sẽ khiến lây lan theo cấp số nhân. Một tổ chức bị tấn công mạng mà chậm công bố, cảnh báo thì có thể hàng ngàn, hàng vạn tổ chức khác sẽ bị tấn công theo cách tương tự. Vì vậy, chúng ta phải hợp tác, chia sẻ thông tin.

Thứ hai, đừng đợi thảm họa ập đến rồi mới hành động. Lúc thảm họa chưa xảy đến là lúc tốt nhất để chuẩn bị. Trong an toàn thông tin mạng, cần chủ động kế hoạch ứng phó, diễn tập thực chiến để cọ sát, có kinh nghiệm thực tiễn. Điều này phải thực hiện ở cấp cơ sở, cấp có hệ thống công nghệ thông tin, Bộ trưởng nói.

Thứ ba, phải đảm bảo mọi người đều nhận thức được các dấu hiệu và cách ứng phó. Trong an toàn thông tin mạng, mọi người dân, tổ chức cần được tuyên truyền để nhận thức được các nguy cơ, mối đe dọa, các dấu hiệu bị tấn công, được phổ cập công cụ, dịch vụ cơ bản để tự bảo vệ. Vượt quá khả năng tự bảo vệ thì sẽ có các tổ chức, doanh nghiệp chuyên nghiệp hỗ trợ, giống như các bệnh viện tuyến trên.

Thứ tư, kinh nghiệm chống dịch là xét nghiệm nhanh, khoanh vùng nhỏ, điều trị gần và cơ động ứng cứu nhau. An toàn thông tin cũng cơ bản là vậy. Công thức phòng chống tấn công mạng cũng phải liên tục phát triển. Cục An toàn thông tin, Hiệp hội An toàn thông tin sẽ phải là người tổng kết những kinh nghiệm, công thức này để phổ biến ra toàn dân...

Thứ năm, tấn công mạng hay mã độc cũng không ngừng thay đổi và ngày một tinh vi, phức tạp hơn. Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong tấn công mạng cũng như một loại virus tự biến đổi gen. Nhưng cũng chưa bao giờ nhân loại lại tạo ra vaccine nhanh như vậy, nhờ vào công nghệ gen và siêu máy tính. An toàn thông tin cũng có những công nghệ mới nhất để tạo ra vắc xin mới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate