Chiều ngày 10/9, tại TP. Bến Tre, Ban tổ chức đã công bố danh sách 8 dự án đầu tiên lọt vào vòng chung kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh – Lần 9/ 2023. Theo đó, 8 dự án này đến từ các địa phương là An Giang, Bến Tre, Bình Thuận, Đồng Tháp, Đồng Nai, Trà Vinh. Trong đó có 2 dự án đến từ tỉnh Đồng Tháp, 2 dự án đến từ tỉnh Trà Vinh. Các tỉnh còn lại mỗi tỉnh một dự án được chọn.
Theo đánh giá chung của Ban giám khảo, các dự án đã có sự chuẩn bị chu đáo, khi đem theo nhiều vật dụng, nguyên liệu dùng sản xuất ra sản phẩm. Từ những gói muối Tây Ninh, nguyên liệu làm nhang sạch, sầu riêng ở Đồng Nai, các sản phẩm chế biến sâu từ dừa ở Bến Tre, Trà Vinh, từ trái Thanh Long, từ xoài ở Vĩnh Long, hạt gạo ở An Giang, hay giá trị gia tăng từ sữa bí đỏ ở Cần Thơ...
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho biết cuộc thi này sẽ đem đến những kiến thức mới, nhất là cách liên kết, sáng tạo, làm mới lại từng chi tiết của sản phẩm, mô hình kinh doanh. Các đội cần học hỏi để hoàn thiện các dự án. Một sản phẩm trên thị trường, phải tạo niềm tin cho người tiêu dùng và các nhà đầu tư.
Thành viên Ban giám khảo, bà Nguyễn Cẩm Chi, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ phát triển Thanh niên (FYE), đánh giá trong quá trình đọc hồ sơ các dự án, có rất nhiều dự án thỏa tiêu chí xanh, phát triển bền vững cùng với đó là các yêu tố về đổi mới sáng tạo. Trong những dự án thi, có không ít dự án đã thương mại hóa trên thị trường. Nhưng cũng có không ít các dự án chưa thương mại hóa được, nên các đội dự án cần học hỏi lẫn nhau, chia sẻ với nhau trong một cộng đồng, chia sẻ về cách tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, thương mại hóa ra ngoài…
Tại vòng bán kết ở Bến Tre có 26 dự án thuộc 11 tỉnh, thành dự thi. Trong đó, số dự án nhiều nhất là tỉnh Đồng Tháp với 5 dự án, tiếp theo là Bến Tre với 4 dự án; Đồng Nai, Trà Vinh mỗi địa phương 3 dự án; TP. Cần Thơ, Tây Ninh, An Giang, Tiền Giang mỗi địa phương 2 dự án; Bình Thuận, Cà Mau, Vĩnh Long mỗi địa phương 1 dự án tham gia.
Trước đó, từ giữa tháng 5/2023, kể từ khi thông báo đăng ký cho đến cuối tháng 7, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được sự quan tâm đăng ký từ 179 cá nhân và tập thể gửi dự án tham gia, đại diện cho 36 tỉnh, thành. Sau giai đoạn chấm sơ khảo, sàng lọc bởi Ban giám khảo, đã chọn ra 108 dự án vào vòng bán kết của 33 tỉnh thành tham dự. Trong đó, 51 dự án nhóm (3 người/nhóm), 57 dự án cá nhân. Trong số này, có 41 dự án được tuyển thẳng. Đây là những dự án đã đạt được những giải thưởng và danh hiệu tại các cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh/thành, quốc gia…
Ngoài ra, chương trình đã tổ chức hơn 10 lớp tập huấn tại các tỉnh: An Giang, Bến Tre, TP.HCM, Hà Nội, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Nam Định, Nghệ An, Cao Bằng và Ninh Thuận. Những lớp tập huấn này đã tạo điều kiện để các doanh nông trẻ nâng cao thêm kiến thức và hỗ trợ cho các dự án tham gia cuộc thi được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện thành công các dự án.
Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần thứ 9 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức với sự phối hợp của Công ty cổ phần Vinamit, Quỹ Hỗ trợ phát triển Thanh niên (FYE), Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau cùng các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. Sau 3 vòng thi Bán kết sẽ chọn 30 dự án thi vòng Chung kết. Chung kết sẽ thi tại Dinh Thống Nhất TP.HCM dự kiến vào cuối tháng 10/2023.