Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũy kế đến cuối tháng 8/2023, cả nước thu 1.967,8 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 59,8% kế hoạch năm và giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch thu tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2023 đạt: 3.200 tỷ đồng, trong đó quỹ trung ương dự thu 2.053 tỷ đồng; quỹ tỉnh dự thu 1.147 tỷ đồng.
Đến nay, có 718 chủ rừng đang quản lý 7,65 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp; có 417 phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt, đạt 58% tổng số phương án cần phê duyệt; có 445.500 ha được cấp chứng chỉ rừng (rừng phòng hộ 38.565 ha, rừng trồng sản xuất 407.000 ha).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong thời gian tới, sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc các địa phương chuẩn bị đủ cây giống, hiện trường để trồng rừng theo kế hoạch, chủ động kiểm soát chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; chỉ đạo, đôn đốc hệ thống kiểm lâm thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng, bố trí lực lượng thường trực tại các vùng có nguy cơ cháy cao.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2022, tổng số thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt trên 3.700 tỷ đồng, vượt 23% so với kế hoạch và tăng 17% so với năm 2021.
Cũng trong năm trước, cả nước ký mới được 79 hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng. Lũy kế từ khi triển khai chính sách đến nay cả nước ký được 1.401 hợp đồng (quỹ trung ương: 123 hợp đồng, địa phương: 1.278 hợp đồng; trong đó: 586 hợp đồng với nhà máy thủy điện, 312 hợp đồng với nhà máy sản xuất nước sạch, 23 hợp đồng với đơn vị kinh doanh du lịch, 3 hợp đồng với đơn vị nuôi trồng thuỷ sản và 477 hợp đồng với cơ sở sản xuất công nghiệp).
Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng được đánh giá là nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời góp phần cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, sống phụ thuộc vào rừng mà chủ yếu là đồng bào nghèo miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hơn nữa, chính sách còn đóng vai trò đáng kể trong thành tích chung của toàn ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo quy định hiện hành, các đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng là các cơ sở sản xuất thủy điện; Cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch; Cơ sở sản xuất công nghiệp; Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn; Các cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Hiện tại, các loại dịch vụ môi trường rừng được quy định cụ thể như sau: Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; Điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; Hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; Giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; Bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch; Cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản.