May 18, 2023 | 16:14 GMT+7

80% công nhân tại Hà Nội phải đi thuê trọ

Nhật Dương -

Hà Nội mới có 3 khu công nghiệp có dự án nhà ở, các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân, do vậy, khoảng trên 80% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Một số khu nhà trọ chật hẹp, an ninh chưa đảm bảo, mức giá thuê và tiền điện, tiền nước cao...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin trên được Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội đưa ra  tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố với công nhân lao động Thủ đô năm 2023, diễn ra chiều 18/5 tại Khu Công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Tại Hội nghị, ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp, số công nhân lao động đông. Hiện nay, thành phố có trên 250.000 doanh nghiệp, với khoảng 2,5 triệu lao động.

Về vấn đề đề nhà ở cho công nhân lao động, hiện thành phố có 3 khu công nghiệp là Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (huyện Đông Anh), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có dự án nhà ở, chỉ có thể đáp ứng được gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động.

Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân, do vậy khoảng trên 80% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao...

Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng như trường mầm non công lập còn thiếu nhiều; nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ công nhân lao động ở các khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có.

Đặc biệt, khối trường phổ thông trung học còn thiếu, cùng với đó là cơ chế chỉ học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội mới đủ điều kiện được đăng ký thi vào trường phổ thông trung học công lập, điều đó đã gây bức xúc, khó khăn hơn cho người lao động nhập cư khi phải cho con học trường phổ thông trung học dân lập với chi phí học tốn kém, chưa phù hợp mức thu nhập của công nhân lao động.

Các công nhân tham dự đối thoại. Ảnh - Lao động Thủ đô.
Các công nhân tham dự đối thoại. Ảnh - Lao động Thủ đô.

Theo thống kê năm 2022, tiền lương bình quân chung của người lao động trên địa bàn thành phố tăng hơn so với năm 2021 từ 2,94% đến 3,82%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng/tháng. Riêng quý 1/2023, thu nhập bình quân của người lao động là 7,0 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, đại diện Liên đoàn Lao động thành phố đánh giá, với mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao..., điều này càng khó khăn hơn đối với công nhân lao động đang làm việc ở trong các khu công nghiệp và chế xuất.

Đặc biệt sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống, việc làm của phần lớn công nhân lao động tiếp tục gặp những khó khăn.

Về chính sách lao động, việc làm và bảo hiểm xã hội, hiện nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội của thành phố là hơn 2,2 triệu người; tăng 160.898 người, tăng 7,8% so với năm 2022; trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chiếm 40,4% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Mặc dù vậy, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội tăng cao, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tính đến hết tháng 4/2023, tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội toàn thành phố là 9,13% so với số phải thu, tương ứng 5.191,9 tỷ đồng, ảnh hưởng đến 512.696 người lao động; trong đó, riêng nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể chiếm 34,6% tổng số tiền nợ.

“Tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít lao động. Một số vi phạm phổ biến như: Hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động, xây dựng thang bảng lương thiếu rõ ràng,… ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động”, ông Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate