Trình bày tại hội thảo thảo luận về triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021 - 2025 tổ chức ngày 20/1, Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế xã hội - quốc gia (NCIF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết, khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể do tác động từ cả bên trong lẫn bên ngoài.
Hai đợt khảo sát diện rộng với trên 130 nghìn doanh nghiệp của Tổng cục thống kê (tháng 4 và tháng 9/2020) đều cho thấy có tới trên 83% số doanh nghiệp khẳng định bị ảnh hưởng tiêu cực. Lao động và doanh thu của hầu hết các ngành đều giảm từ 8-15%. Doanh nghiệp gặp khó khăn cả đầu vào và thị trường tiêu thụ, trong khi vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn trong tiếp cận nguồn lực tài chính. Doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ lệ đang hoạt động thấp nhất và giảm doanh thu cao nhất.
Dù vậy, chỉ có số ít doanh nghiệp nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ.
Trong năm 2020, các biện pháp tài khóa được đưa ra gồm gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng; Các biện pháp miễn, giảm, giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp; Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng (gần 1% GDP) cho người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng; thúc đẩy giải ngân 100% vốn đầu tư công trị giá 686 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 9% GDP trong đó 225 nghìn tỷ đồng được chuyển từ các năm trước.
Đánh giá của NCIF cho thấy hiệu quả khá khạn chế, quy mô hỗ trợ nhỏ, thực hiện gia hạn thuế, tiền thuê đất 43 nghìn tỷ đồng so với dự báo 180 nghìn tỷ, giải ngân gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ khó khăn.
82% doanh nghiệp được khảo sát không nhận được gói hỗ trợ từ Chính phủ. Lý do chính yếu là các doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ, quy trình thủ tục tiếp cận quá khó khăn, không đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ và đã nộp hồ sơ xin hỗ trợ nhưng vẫn chưa được nhận.
Nghịch lý của việc hỗ trợ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ (15,5 nghìn tỷ đồng) thì những doanh nghiệp có lợi nhuận tốt được hỗ trợ còn những doanh nghiệp không lợi nhuận vì Covid lại không có tác động hỗ trợ. Việc giảm một số loại phí tác động không đáng kể.
“Các biện pháp tài khóa quy mô nhỏ, hiệu quả chưa rõ ràng, khó khăn trong giải ngân và thực hiện. Quy mô các biện pháp tài khóa của Việt Nam được đánh giá là nhỏ hơn rất nhiều so với các nước khác, ADB ước tính các biện pháp chính sách của khu vực châu Á Thái Bình Dương trung bình đạt 15% GDP, trong khi con số tương ứng của Việt Nam là khoảng 1% GDP”, đại diện NCIF nhấn mạnh.
Về chính sách tiền tệ gồm hạ lãi suất; cơ cấu lại thời hạn cho vay, giảm/miễn lãi, miễn lãi cho vay; phân luồng tín dụng cho 5 thành phần kinh tế ưu tiên và đẩy nhanh cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu chính đáng của cá nhân, hộ gia đình và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (VSPB) không tính lãi để trả lương cho người lao động tạm thời ngừng việc. Tổng giá trị khoản vay theo kế hoạch là 16,2 nghìn tỷ đồng (khoảng 0,2% GDP).
Theo đánh giá của NCIF, các chính sách tiền tệ giúp mặt bằng lãi suất giảm mạnh nhưng chủ yếu hỗ trợ cho khách hàng vay cũ; ít tạo ra sức cầu mới. Đồng thời, hiệu quả của các công cụ điều hành đã chạm ngưỡng, lãi suất liên ngân hàng hiện đã ở mức rất thấp.
“Chúng ta có những gói chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về doanh thu và lao động nhưng lại đưa ra tiêu chí doanh nghiệp phải mất bao nhiêu lao động, bớt bao nhiêu doanh thu mới đáp ứng đủ tiêu chí vô hình trung đã tạo động lực ngược. Gói chia sẻ doanh nghiệp phải chính xác hơn về đối tượng và dựa theo kết quả đầu ra để tránh tâm lý sống nhờ vào gói trợ cấp của Chính phủ. Ví dụ, có chính sách thuế đối với chi phí của doanh nghiệp bỏ ra chi cho việc mua vật tư, các phương tiện để phòng chống dịch. Doanh nghiệp nào làm sẽ được hưởng lợi”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem) nhấn mạnh.