Giải thưởng do VAFE, Fili và Vietstock đồng tổ chức, thông qua 2 vòng khảo sát và đánh giá 736 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và HNX với bộ tiêu chí bao gồm: Truyền thông tài chính hiệu quả: Truyền thông tài chính minh bạch và hiệu quả, tạo được sự hiểu biết rộng rãi về giá trị và triển vọng của doanh nghiệp, có những nhóm nhà đầu tư ủng hộ mạnh trên thị trường; Danh tiếng tốt trên thị trường vốn: Doanh nghiệp tạo được danh tiếng tài chính tốt, từ năng lực quản trị, uy tín của HĐQT và Ban điều hành đến độ tin cậy của số liệu tài chính và các tài liệu công bố khác; Quản trị tốt sự kỳ vọng của thị trường chứng khoán: Hoạt động quan hệ nhà đầu tư giúp tối ưu hóa giá trị doanh nghiệp, định giá từ thị trường sát với giá trị nội tại của doanh nghiệp, thanh khoản cổ phiếu hợp lý. Theo kết quả khảo sát, ngân hàng là ngành có hoạt động công bố thông tin tốt nhất trên thị trường chứng khoán năm 2022, với tỷ lệ 68%.
Giải thưởng đã chứng minh tính đúng đắn của chiến lược phát triển bền vững, đảm bảo tuân thủ và đầu tư để duy trì khả năng cạnh tranh trong dài hạn của ACB. Báo cáo phân tích ngành ngân hàng cuối quý 2 theo mô hình CAMEL - một phương pháp phân tích tình hình hoạt động và rủi ro của ngân hàng - vừa được công ty chứng khoán Yuanta công bố tháng 8/2022 cho thấy ACB giữ vị trí Top 1 bảng xếp hạng 27 ngân hàng tại Việt Nam với tỷ lệ nợ xấu (NPL) thấp - 0,76% - thuộc dạng thấp nhất trong các NHTMCP và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao, gần 200%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao cho phép ACB linh hoạt hơn trong việc giảm dự phòng và từ đó thúc đẩy lợi nhuận năm 2022 mà không làm giảm chất lượng tài sản của ngân hàng.
Trước đó, Moody’s cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, triển vọng được thay đổi từ tích cực sang ổn định. Cũng theo Moody’s, kết quả tài chính của các ngân hàng Việt Nam đã diễn biến tích cực trong năm 2021 bất chấp ảnh hưởng từ sự bùng phát của dịch bệnh, trong đó ACB được xếp hạng Ba2 đối với Đánh giá rủi ro dài hạn và Ba3 đối với Xếp hạng tín nhiệm của tổ chức phát hành và xếp hạng tiền gửi ngân hàng dài hạn. Đây là xếp hạng cao nhất trong các Ngân hàng TMCP tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tốc độ chuyển đổi số cũng đang là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo báo cáo quý 2/2022 của ACB, khoảng 94% giao dịch tại ACB được thực hiện qua hình thức kỹ thuật số - digital transactions (e-banking, ATM, CDM, POS,…), số lượng và giá trị giao dịch online tăng trưởng kép ở mức khoảng 100% trong giai đoạn từ 2019 - 2021, và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Tính đến cuối tháng 8/2022, ACB hoàn thành 84% kế hoạch lợi nhuận năm 2022. Vừa qua, Ngân hàng nhà nước đã chấp thuận nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng của ACB từ 10% lên 12,7%. Với hạn mức tăng thêm gần 10 ngàn tỷ đồng, ACB sẽ tập trung nguồn vốn để phục vụ cho các doanh nghiệp và cá nhân phát triển sản xuất kinh doanh vào thời điểm cuối năm.
Bên cạnh việc bám sát các mục tiêu kinh doanh, ACB cũng luôn đảm bảo công bố thông tin và báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch, tổ chức định kỳ các cuộc gặp gỡ nhà đầu tư để trình bày kết quả kinh doanh và giải đáp kịp thời các thắc mắc của nhà đầu tư. Việc duy trì một mối quan hệ vững mạnh với các nhà đầu tư thông qua hoạt động IR luôn là ưu tiên hàng đầu của ACB.