November 11, 2024 | 16:05 GMT+7

Ẩm thực Nhật có nhiều cách để “xuất khẩu” ra thế giới

Băng Hảo -

Đầu tháng 11, Cục Văn hóa Nhật Bản cho biết UNESCO đang xem xét công nhận kỹ thuật nấu rượu sake của Nhật Bản là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới vào đầu tháng sau…

Ảnh: Japanese Foodie
Ảnh: Japanese Foodie

Sake là một sản phẩm không thể thiếu trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống của Nhật Bản cũng như trong đời sống ẩm thực hàng ngày tại đất nước Mặt trời mọc, và ngày càng phổ biến ra thế giới với việc đã được xuất khẩu đến 75 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Theo số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu rượu sake của Nhật Bản trong năm 2023 đạt 41,1 tỷ Yên (khoảng hơn 270 triệu USD), giảm một chút so với năm 2022 nhưng vẫn gấp 1,7 lần so với năm 2020. Mỹ là nước nhập khẩu rượu sake lớn nhất với khoảng 6.500 lít, tiếp theo là Trung Quốc và Hàn Quốc. Kênh bán hàng chính của mặt hàng đồ uống này là các nhà hàng Nhật Bản trong nước và trên thế giới.

Theo báo cáo của Cơ quan thuế quốc gia Nhật Bản, thị phần rượu sake tại Mỹ chỉ chiếm khoảng 0,2%, thấp hơn nhiều so với bia là 18% và rượu vang (14%) nhưng có xu hướng ngày càng nhiều người cao tuổi và người có thu nhập cao quan tâm đến sức khỏe ưa chuộng. Hiện công ty sake Asahi (có trụ sở ở tỉnh Yamaguchi), chủ thương hiệu rượu Dassai nổi tiếng đã vận hành nhà máy sản xuất ở New York năm 2023 để mở rộng hơn nữa thị phần tại Mỹ.

Kỹ thuật nấu rượu sake của Nhật Bản được ghi nhận có từ rất lâu đời, sử dụng một loại nấm Koji để lên men các nguyên liệu thô như gạo hoặc lúa mì. 
Kỹ thuật nấu rượu sake của Nhật Bản được ghi nhận có từ rất lâu đời, sử dụng một loại nấm Koji để lên men các nguyên liệu thô như gạo hoặc lúa mì. 

Theo Nikkei, những năm gần đây, cơn sốt ẩm thực Nhật Bản đã lan rộng trên toàn cầu, không dừng ở sake và sushi mà còn xuất hiện thêm nhiều mặt hàng hay thương hiệu khác. Mới nhất, thậm chí đến mặt hàng đá lạnh tinh khiết có xuất xứ từ công ty Kuramoto Ice (TP Kanazawa, Nhật Bản) cũng trở nên nổi tiếng. Doanh số ghi nhận tại thị trường Mỹ của sản phẩm đá cao cấp này đã tăng gấp 7 lần chỉ trong vòng 3 năm qua.

"Ở Mỹ, công ty sản xuất đá tinh khiết thường rất ít, trong khi nhu cầu của khách hàng đối với loại đá khó tan chảy và đẹp mắt này lại cao", ông Kazuhiko Kuramoto, Chủ tịch của Kuramoto Ice cho biết. Để tạo ra một sản phẩm hoàn thành, đá tinh khiết phải được loại bỏ các khoáng chất và tạp chất trong quá trình nước đóng băng. Đối với Kuramoto Ice, công ty phải mất đến 72 giờ để cải thiện và nâng cấp mức độ tinh khiết. Nước máy tại Mỹ là loại nước cứng khiến cho việc loại bỏ khoáng chất tốn nhiều thời gian.

Kuramoto Ice thường sản xuất và tạo hình đá ở Nhật Bản, sản phẩm đá tinh khiết của công ty sau đó được vận chuyển đến Mỹ để sử dụng trong khoảng 300 quán bar và nhà hàng. "Loại đá này phổ biến ở các cơ sở cao cấp vì không làm thay đổi hương vị của rượu", công ty cho biết. Năm 2023, doanh số bán hàng tại Mỹ đạt 70 triệu Yên (hơn 460.000 USD). Sự tăng trưởng vượt bậc giúp tổng doanh thu của Kuramoto nâng lên mức kỷ lục 242 triệu Yên (gần 1,6 triệu USD) vào năm ngoái.

Ngoài thị trường Mỹ, công ty cũng cung cấp cho các quán bar và nhà hàng cao cấp ở Australia và sẽ bắt đầu xuất khẩu sang Singapore vào cuối năm nay. "Cả hai quốc gia đều có nền văn hóa thưởng thức cocktail phát triển tốt và có thị trường tương tự Mỹ", ông Kuramoto nói. Kuramoto Ice dự kiến ​​doanh số năm 2024 tăng 24% lên 300 triệu Yên (gần 2 triệu USD). Công ty cũng cho biết sẽ nâng công suất sản xuất lên 20% ​​tại nhà máy Kanazawa trước năm 2025 để chuẩn bị cho các điểm đến xuất khẩu mới.

Ẩm thực Nhật có nhiều cách để “xuất khẩu” ra thế giới - Ảnh 1
Ẩm thực Nhật có nhiều cách để “xuất khẩu” ra thế giới - Ảnh 2
 
Ẩm thực Nhật có nhiều cách để “xuất khẩu” ra thế giới - Ảnh 3
Ẩm thực Nhật có nhiều cách để “xuất khẩu” ra thế giới - Ảnh 4
 

Tương tự, xuất khẩu wasabi của Nhật Bản đang tăng lên, khi ngày càng có nhiều người nước ngoài yêu thích hương vị độc đáo từ loại gia vị cay nồng, đặc trưng này. Bên cạnh mặt hàng wasahi truyền thống, hiện nay ngày càng có nhiều các sản phẩm phát triển từ wasabi, chẳng hạn như đồ ăn nhẹ và sốt mayonnaise, giúp đem lại nguồn doanh thu khổng lồ cho các công ty chế biến thực phẩm Nhật Bản và đáp ứng thị hiếu của những người yêu thích wasabi trên toàn cầu.

Kameya Foods là một trong những nhà chế biến thực phẩm chuyên về các sản phẩm wasabi tại Nhật Bản. Trong năm 2023, riêng xuất khẩu các sản phẩm wasabi đã mang lại cho Kameya Foods khoảng 170 triệu Yên (khoảng 1,13 triệu USD). Ông Ryohei Kameya, Giám đốc điều hành phụ trách mảng kinh doanh ở nước ngoài của công ty, đã đặt mục tiêu vào năm 2026 sẽ đạt 500 triệu Yên về doanh thu liên quan đến xuất khẩu. Ngoài Kameya Foods, nhiều công ty chế biến thực phẩm khác của Nhật Bản cũng đang báo cáo về những con số doanh thu xuất khẩu ấn tượng liên quan đến mặt hàng wasabi.

Ông Ayaka Kawahara, chuyên gia về thị trường nước ngoài tại Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), nhận định: “Ở nước ngoài, với sự lan rộng của ẩm thực Nhật Bản như sushi, sashimi, các phương thức tiêu dùng wasabi ngày càng đa dạng, bao gồm cả kẹo wasabi và nước sốt". Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, số lượng nhà hàng Nhật ở nước ngoài tính đến năm 2023 là khoảng 187.000 nhà hàng, tăng 20% so với cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2021.

Mặc dù wasabi cũng được sản xuất ở nước ngoài, bao gồm cả ở Trung Quốc, nhưng wasabi có nguồn gốc từ Nhật Bản vẫn được ưa thích nhất. Kinjirushi, một công ty có trụ sở tại tỉnh Nagoya, chuyên sản xuất và bán thực phẩm làm từ mù tạt, đã nâng cao độ cay của các sản phẩm wasabi được bán ở Mỹ. Tại Tây Ban Nha và Pháp, công ty có hợp đồng với các đầu bếp địa phương nổi tiếng và những người có ảnh hưởng, để quảng bá wasabi và nghiên cứu nhu cầu địa phương. Doanh thu của Kinjirushi đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm gần 10% trong những năm gần đây.

Ngày càng có nhiều các sản phẩm phát triển từ wasabi  giúp đem lại nguồn doanh thu khổng lồ cho các công ty.
Ngày càng có nhiều các sản phẩm phát triển từ wasabi  giúp đem lại nguồn doanh thu khổng lồ cho các công ty.

Trước đó, mì ramen cũng ngày càng trở nên phổ biến ở Mỹ, Hàn Quốc và các nước khác. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường NielsenIQ, doanh số bán lẻ của mì ramen ở Mỹ tăng 72% kể từ năm 2000. Trong 52 tuần kết thúc vào ngày 13/4 vừa qua, người Mỹ tiêu thu lượng mì ramen trị giá hơn 1,6 tỷ USD.

Nói với hãng tin AP, Kenichi Nomaguchi, đồng sáng lập và CEO của Gourmet Innovation, hy vọng sẽ mở rộng thị trường ra ngoài Nhật Bản, với niềm tin rằng mì ramen và anime là hai sản phẩm xuất khẩu thành công nhất của đất nước này. Khi được hỏi vì sao chọn ramen, ông Nomaguchi giải thích rằng, so với mì ống hoặc cà ri, việc tự làm mì ramen tại nhà là một thách thức lớn.

Song song với đó, một công ty Nhật có tên Nippon Ham vừa cho ra mắt sản phẩm Boost Noodle, loại mì ramen thịt lợn được thiết kế tối ưu để phục vụ những người chơi game muốn giải quyết cơn đói mà không phải rời tay khỏi bàn phím. Boost Noodle được đóng gói trong một túi tiện lợi, cho phép người dùng hút phần mì và nước dùng từ trong túi, tiết kiệm thời gian và giữ tay sạch sẽ.

Boost Noodle chính thức ra mắt vào cuối tháng 7 với giá bán 660 Yên (khoảng 100.000 đồng) cho mỗi túi. Sự xuất hiện của sản phẩm này không chỉ làm phong phú thêm thị trường mì ăn liền mà còn đánh dấu một bước tiến mới trong việc kết hợp giữa ẩm thực và công nghệ, nhằm xuất khẩu ẩm thực Nhật Bản ra với thế giới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate