Theo tin từ CNN, dù Anh và Liên minh châu Âu (EU) đều đồng ý sẽ tiếp tục đàm phán thỏa thuận Brexit, cả hai bên cảnh báo về nguy cơ không đạt được thỏa thuận này.
Thời hạn đàm phán do Anh và EU tự đặt ra ban đầu là ngày Chủ nhật (13/12), sau cuộc họp không có kết quả giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm thứ Tư (9/12). Tuy nhiên, hiện tại, hai bên vẫn chưa đi đến kết quả nào và cũng chưa đưa ra thời hạn mới cho việc đàm phán.
Thủ tướng Anh Borris Johnson cho biết cả hai bên vẫn còn "nhiều bất đồng trong các vấn đề quan trọng" và cho biết "điều quan trọng nhất hiện tại có lẽ là phải sẵn sàng cho các điều khoản với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Australia".
Theo CNN, hiện tại, Australia không có thỏa thuận thương mại tự do với EU và phát ngôn về "các điều khoản với Australia" của ông Borris được hiểu là ám chỉ về việc có khả năng không đạt được thỏa thuận Brexit.
Nếu không có thỏa thuận Brexit, Anh sẽ buộc phải tuân tủ các quy định của WTO khi giao thương với EU. Điều này đồng nghĩa rằng các doanh nghiệp Anh sẽ bị áp các loại thuế quan mới cũng như thêm nhiều thủ tục hành chính, hải quan khi giao dịch hàng hóa với EU.
Thủ tướng Johnson cho biết chính phủ Anh sẽ tiếp tục nỗ lực để đàm phán với EU nhưng đồng thời cũng cảnh báo rằng có thể sẽ không đạt được thỏa thuận nào trước hạn chót ngày 1/1/2021.
Suốt nhiều tháng qua, Anh và EU đẩy mạnh đàm phán thỏa thuận thương mại trước trước khi kết thúc "giai đoạn chuyển tiếp Brexit" vào 12h đêm ngày 31/12/2020. Đầu tuần này, Thủ tướng Anh Borris Johnson và Chủ tịch EC von der Leyen đã phát đi thông cáo chung, trong đó chỉ ra 3 vấn đề "đặc biệt quan trọng" đang còn khúc mắc là quyền đánh bắt cá, khác biệt về tiêu chuẩn của Anh với EU và cơ chế giám sát thỏa thuận.
Tuần trước, Thủ tướng Anh Borris Johnson cho biết ông đã chỉ đạo nội các của mình chuẩn bị cho khả năng đàm phán thất bại. Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Bảy cũng cho biết Anh sẽ có "thực thi một loạt biện pháp mạnh mẽ" vào cuối giai đoạn chuyển giao Brexit, trong đó có việc đưa nhiều tàu tuần tra ngoài khơi. Bộ này cho biết 4 tàu tuần tra xa bờ "sẽ có mặt để tuần tra các vùng biển của Vương quốc Anh và hỗ trợ các cơ quan chính phủ khi cần thiết".
Theo tin từ BBC, chính phủ của ông Boris Johnson cũng đã yêu cầu các siêu thị, cửa hàng nước này dự trữ thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác khi chỉ còn gần 2 tuần nữa là tới hạn chót cho thỏa thuận thương mại Brexit. Trong vài tháng tới, Anh có thể đối mặt với tình trạng thiếu rau và các mặt hàng thiết yếu mà nước này đang nhập khẩu chủ yếu từ EU. Bên cạnh đó, giá cả tiêu dùng cũng có thể tăng cao do hàng hóa phải chịu thêm các loại thuế mới của EU.
Brexit không có thỏa thuận sẽ là đòn giáng nặng về kinh tế với cả Anh và EU. Trong đó, tác động đối với Anh sẽ nặng nề hơn nhiều, bởi EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Khi đó, các doanh nghiệp Anh sẽ không còn được tiếp cận tự do với 450 triệu người tiêu dùng của EU, đồng thời chịu thêm gánh nặng thuế quan và thủ tục hành chính.
Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh (OBR) ước tính Brexit không thỏa thuận khiến GDP của Anh sụt 40 tỷ Bảng (53 tỷ USD), tương đương 2%, vào năm 2021 và khiến hơn 300.000 người mất việc trong nửa đầu năm sau. Tuy vậy, trong thông cáo vào tháng trước, OBR cho biết trong dài hạn, kể cả khi London và Brussels đạt được thỏa thuận, mối quan hệ thương mại mới giữa hai bên vẫn có thể khiến GDP thiệt hại khoảng 4% so với việc Anh ở lại EU.
Ireland, quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất về phía EU, cho biết thỏa thuận Brexit giữa Vương quốc Anh và EU là "điều vô cùng cấp thiết". Thủ tướng Ireland Micheál Martin ngày 13/12 nhấn mạnh rằng kịch bản không có thỏa thuận sẽ "gây thiệt hại nặng nề cho người lao động" tại Vương quốc Anh, Ireland và cả châu Âu. Ông Micheál Martin gọi đây là "một thất bại kinh hoàng của bộ máy lãnh đạo".