Cử tri Anh đã chọn con đường nước này ra khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hãng tin Reuters dẫn kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 tại xứ sương mù cho biết.
Kết quả này đã khiến Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ từ chức trong thời gian từ nay đến tháng 10 tới.
Cú sốc toàn cầu
“Tôi nghĩ mình không nên tiếp tục là vị thuyền trưởng đưa con tàu đất nước tới bến bờ tiếp theo”, ông Cameron nghẹn ngào phát biểu trước báo giới, vào đầu giờ sáng 24/6 theo giờ London.
Ông không đưa ra thời điểm từ chức cụ thể, nhưng nói Anh cần có một vị thủ tướng mới trước thời điểm Đảng Bảo thủ cầm quyền tổ chức kỳ đại hội thường niên vào tháng 10.
Kết quả kiểm phiếu tính đến hơn 14h chiều nay theo giờ Việt Nam cho thấy, 52% cử tri Anh chọn ra khỏi EU, hay còn gọi là Brexit. Phe chọn ở lại chiếm 48%.
Brexit đang tạo ra cú sốc tài chính toàn cầu lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Vấn đề nằm ở chỗ, lãi suất trên toàn cầu hiện đã ở mức gần 0%, hoặc thậm chí giảm dưới ngưỡng này, khiến các nhà hoạch định chính sách không có nhiều dư địa để ứng phó.
Thị trường tài chính toàn cầu từ sáng nay đã rúng động mạnh, với các chỉ số chứng khoán đồng loạt sụt sâu, trong khi giá những tài sản an toàn như vàng, trái phiếu kho bạc Mỹ và Yên Nhật tăng mạnh.
Tỷ giá đồng Bảng Anh đã có cú sụt mạnh nhất trong lịch sử, giảm hơn 10% so với đồng USD xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985.
Tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) nói rằng điểm tín nhiệm AAA giờ đã không còn phù hợp với nước Anh.
Các thị trường chứng khoán châu Âu đã chìm sâu trong sắc đỏ khi vừa mở cửa phiên ngày 24/6 vào lúc hơn 14h chiều nay theo giờ Việt Nam.
Chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh giảm 8,2%, DAX của Đức giảm 9,3%, CAC 40 của Đức giảm 6,7%, Stoxx Euro 600 giảm 7,6%...
“Chưa có tiền lệ”
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý của nước Anh sẽ mở ra một quy trình kéo dài ít nhất hai năm, để Anh đàm phán với EU nhằm rút hẳn khỏi khối này. Ngoài ra, tương lai của thủ đô London với tư cách trung tâm tài chính thế giới cũng đang bị đặt vào sự hoài nghi.
Đồng Euro sụt giảm hơn 3% so với đồng USD, do lo ngại Brexit sẽ dẫn tới những thiệt hại lớn về kinh tế và chính trị đối với EU, khối thương mại lớn nhất thế giới.
“Chúng tôi đang ở trong một tình huống chưa từng có tiền lệ”, một trợ lý của ông Cameron nói với báo giới.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tuyên bố sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự ổn định tài chính và tiền tệ. Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu cũng đã chuẩn bị hành động để đảm bảo sự ổn định cho thị trường, trong đó Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cam kết sẽ “có phản ứng cần thiết” trên thị trường tiền tệ.
Tuy nhiên, các lực lượng muốn Anh ra khỏi EU đang ăn mừng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, xem đây như một chiến thắng trước các nhà lãnh đạo chính trị của nước Anh, các doanh nghiệp lớn và cả các nhà lãnh đạo nước ngoài, bao gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama, vốn kêu gọi Anh ở lại trong EU.
“Hãy mơ ước ánh bình minh xuất hiện trên một vương quốc Anh độc lập”, ông Nigel Farage, nhà lãnh đạo Đảng Độc lập Anh phát biểu. “Đây sẽ là một chiến thắng cho những người Anh thực sự… Hãy để ngày 23/6 đi vào lịch sử với tư cách là ngày độc lập của nước Anh”.
Tương lai của nước Anh cũng đang đối mặt nguy cơ, khi có tới 62% cử tri Scotland bỏ phiếu chọn ở lại trong EU.
Vì điều này, rất có thể Scotland sẽ gây sức ép trong thời gian tới đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc giành độc lập, sau khi một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014 quyết định Scotland tiếp tục là một phần của nước Anh.
Bà Nicola Sturgeon, Thủ hiến Scotland nói kết quả cuộc trưng cầu dân ý “cho thấy rõ người dân Scotland xem tương lai của họ là một phần của EU”.
Hệ quả khôn lường
Các chính trị gia châu Âu thể hiện cảm giác sốc và bàng hoàng trước kết quả cuộc trưng cầu dân ý của nước Anh.
“Làm ơn hãy nói với tôi rằng tôi vẫn đang ngủ và đây chỉ là một cơn ác mộng tồi tệ”, cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb viết trên mạng xã hội Twitter.
Đối với EU, việc Anh rời đi sẽ đặt ra những nguy cơ lớn, thậm chí là nguy cơ về một cuộc khủng hoảng sống còn. Hiện nay, các phong trào dân tuý và chống người nhập cư đã lan rộng ở châu Âu, dẫn tới những chia rẽ lớn trong nội bộ khối cũng như trong nội bộ mỗi quốc gia thành viên.
Các nhà lãnh đạo cánh hữu ở Pháp và Hà Lan đã ngay lập tức đòi tổ chức trưng cầu dân ý giống như ở Anh.
Thủ lĩnh đảng cánh hữu Mặt trận Quốc gia Pháp, bà Marine Le Pen, tuyên bố: “Chiến thắng của tự do!” Thủ lĩnh cực hữu Hà Lan Geert Wilders nói: “Chúng tôi muốn tự chịu trách nhiệm về quốc gia của mình, tiền của mình, biên giới của mình, và chính sách người nhập cư của mình!”
Đối với nước Anh, rời EU đồng nghĩa với nước này mất quyền tiếp cận thị trường không có hàng rào nội khối của EU, và Anh sẽ phải tìm kiếm các thoả thuận thương mại mới.
Cú sốc từ nước Anh đến với EU giữa lúc khối này vẫn chật vật với những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính, cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có tiền lệ, và sự nổi lên của nước Nga.
Với sự ra đi của nước Anh, EU sẽ mất khoảng 1/6 tổng sản lượng kinh tế của khối.