Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1/2013, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói áp lực về bội chi năm nay là rất lớn, mặc dù “chưa thể nói đến vấn đề điều chỉnh hay không điều chỉnh mục tiêu về bội chi”.
“Thông thường thu ngân sách quý 1 hàng năm đạt 25-27% dự toán, nhưng năm nay chỉ đạt 20,6%. Rõ ràng như vậy là thấp so với tiến độ thu các năm, dự báo sẽ có rất nhiều khó khăn, do đó phải hết sức quyết liệt nếu không dự toán ngân sách sẽ rất khó khăn”, bà Mai nói.
Vị đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng thu ngân sách đạt thấp là do nhiều lý do, đặc biệt là do kinh tế khó khăn, sản xuất sút giảm. Trong giai đoạn tới, các giải pháp đặt ra là “tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế; tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách; cân đối ngân sách địa phương chủ động linh hoạt tại từng địa phương”.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay tổng thu cân đối thực hiện tháng 3 ước đạt 54.140 tỷ đồng; luỹ kế thu 3 tháng đạt 167.710 tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong số này, thu nội địa trong tháng 3 ước đạt 35.000 tỷ đồng, bằng 6,4% dự toán, tăng 19% (5.400 tỷ đồng) so với thực hiện tháng 2. Lũy kế thu 3 tháng ước đạt 114.040 tỷ đồng, bằng 20,9% dự toán, xấp xỉ bằng mức thực hiện cùng kỳ năm 2012.
Trong khi thu từ dầu thô đạt 25.770 tỷ đồng, bằng 26% dự toán thì thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 3 tháng đạt 41.150 tỷ đồng, chỉ bằng 17,3% dự toán.
Về chi ngân sách, tổng chi ngân sách tháng 3 ước đạt 70.850 tỷ đồng; lũy kế chi 3 tháng ước đạt 218.385 tỷ đồng, bằng 22,3% dự toán, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2012.
Quý 1/2013 đã huy động được gần 65,5 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, đạt 33,6% kế hoạch năm. Nhìn chung, tình hình thị trường trong quý 1 khá thuận lợi cho công tác huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ. Nhu cầu mua trái phiếu chính phủ khá lớn với khối lượng dự thầu luôn cao hơn khối lượng gọi thầu (từ 1,12 đến 5,11 lần), tỷ lệ trúng thầu trong từng phiên khá lớn (90 - 100%).
Một trong những nguyên nhân chính là thanh khoản của hệ thống ngân hàng rất dồi dào do tín dụng không tăng trưởng trong thời gian qua.
”Việc phát hành trái phiếu sẽ thực hiện theo lịch biểu phát hành đã công bố ra thị trường, tăng cường huy động các trái phiếu kỳ hạn dài từ 3 năm trở lên, đồng thời bám sát thị trường và nhu cầu của ngân sách nhà nước nhằm xác định khối lượng gọi thầu hợp lý trong từng phiên để có thể giảm lãi suất huy động”, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate