Sau phiên xả đột ngột hôm qua, thị trường chuyển trạng thái thận trọng cao độ trong sáng nay. Lúc này quan điểm chờ đợi thị trường giảm tiếp đã hoàn toàn chiếm ưu thế nên lực cầu thoái lui rất sâu. VN-Index đã có lúc rơi xuống tận 1210 điểm gần sát ngưỡng tâm lý được chờ đợi quanh 1200 điểm.
Nhà đầu tư không có lý do gì để nóng ruột mua lúc này. Lượng cầu dư mua chủ yếu ở giá rất thấp, trong khi áp lực tâm lý cắt lỗ lại khiến nhà đầu tư cầm cổ sốt ruột. Độ rộng của VN-Index trọn phiên sáng nay đều cực hẹp, chốt buổi sáng chỉ có 72 mã tăng/347 mã giảm.
Do dòng tiền quá thụ động và chờ ở giá thấp, biên độ giảm giá cổ phiếu cũng khá rộng, tùy thuộc vào nhu cầu bán đến đâu. Khoảng 177 cổ phiếu trong VN-Index đang giảm quá 1% giá trị và thanh khoản của nhóm này chiếm tới 61% tổng giá trị khớp sàn HoSE.
Tuy số lượng cổ phiếu giảm sâu rất nhiều cũng như tập trung thanh khoản khá lớn, nhưng hầu hết quy mô thanh khoản đó cũng chỉ dồn vào một nhóm cổ phiếu. Cụ thể, trong 177 mã yếu nhất nói trên, chỉ 20 mã khớp được quá 50 tỷ đồng. Chỉ 11,3% số cổ phiếu chiếm 67% thanh khoản của nhóm yếu nhất. Điều này cho thấy cũng không phải tất cả cổ phiếu giảm sâu đều có áp lực bán tháo, mà chủ yếu giá giảm rộng là do cầu chờ giá quá thấp và một khối lượng bán rất nhỏ đang tạo giá trên bảng điện.
Nhóm blue-chips đang chịu sức ép rõ rệt nhất, đơn giản vì thanh khoản ở nhóm này thường là cao nhất. FPT dẫn đầu nhóm giảm hơn 1% với giao dịch 539,8 tỷ đồng, giá rơi 2,24%; MBB giảm 1,07% với 273,5 tỷ; SSI giảm 1,49% với 186,5 tỷ; VHM giảm 2,61% với 170,7 tỷ; MWG giảm 1,77% với 159,7 tỷ. Chỉ số VN30-Index đang giảm 1,03% với 5 mã tăng/25 mã giảm, trong đó 12 mã giảm quá 1%.
Khá may mắn cho VN-Index là nhóm vốn hóa hàng đầu chưa giảm nhiều. VCB giảm 1,65%, FPT giảm 2,24%, CTG giảm 3,18%, VIC giảm 2,26%, VHM giảm 2,61% là các mã yếu nhất. BID, GAS, TCB, VPB cũng đỏ nhưng mức độ nhẹ. HPG tăng 0,19%, VNM tăng 0,85%, GVR tăng 0,64% là các cổ phiếu bù đắp chút ít cho điểm số.
Mặc dù vậy tổng thể thị trường sáng nay vẫn chịu áp lực rất lớn, ít nhất về tâm lý, khi các mức giá gần tham chiếu hầu như không có cầu. Nhà đầu tư muốn bán chỉ có thể chấp nhận giá rất thấp, nên thị trường từ từ rơi xuống. Tuy đà giảm không có quán tính như chiều qua, nhưng độ chắc chắn lại rất cao vì hầu như không có lệnh mua chủ động. Khoảng 15 phút cuối phiên đã xuất hiện tín hiệu bắt đáy năng động hơn nhưng khả năng đẩy giá phục hồi vẫn rất nhỏ. Số ít cổ phiếu trong rổ VN30 được “vớt” giá lên khá là BCM phục hồi 3,67% so với mức đáy, hiện còn giảm 0,15% so với tham chiếu; HDB phục hồi 2%, hiện còn giảm 1,55%; SSB phục hồi 1,4%, còn giảm 0,91%; TCB phục hồi 1,55%, còn giảm 0,43%; VHM phục hồi 2,6%, còn giảm 2,61%.
Mở rộng ra toàn sàn HoSE, xấp xỉ 40% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch sáng nay phục hồi thoát đáy từ 1% trở lên. Đây là những thay đổi còn mờ nhạt, nhất là khi tâm lý chờ đợi VN-Index xuống tới các mức hỗ trợ rõ ràng vẫn lan rộng. Nhà đầu tư có lý do để không bắt đáy quá sớm.
Trong 72 cổ phiếu đi ngược dòng sáng nay không có nhiều giao dịch đáng chú ý. Ngoài các blue-chips đang tăng trong rổ VN30, các nhóm khác đều ít mã có thanh khoản cao. HSG tăng 1,2% khớp 90,2 tỷ; POW tăng 1,14% khớp 61,5 tỷ; NVL tăng 0,89% khớp 51,8 tỷ; DGW tăng 0,72% với 43 tỷ là số ít mã đáng kể.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng giao dịch thận trọng, mua ròng nhẹ 72,9 tỷ đồng trên HoSE. Sáng hôm qua khối này cũng mua ròng 98,9 tỷ đồng. Đây là phiên sáng thứ 2 liên tục khối này mua ròng. Các mã đáng chú ý là VNM +151,6 tỷ, TCB +28,7 tỷ, MSN +25,6 tỷ. Bên bán có FPT -54,7 tỷ, CTG -31,3 tỷ, VHM -24 tỷ, DXG -22,4 tỷ.