August 01, 2024 | 15:57 GMT+7

Sợ hãi dâng cao, cổ phiếu sàn la liệt, VN-Index giảm mạnh nhất 30 phiên

Kim Phong -

Sức ép bán tháo chiều nay càng tăng mạnh và rất nhiều nhà đầu tư cố gắng thoát ra bằng được bất chấp cả giá sàn. VN-Index có tới 423 mã đỏ nhưng chỉ 45 mã xanh cuối phiên, chỉ số bốc hơi 1,96% (-24,55 điểm), mức mạnh nhất trong vòng 30 phiên trở lại đây.

VN-Index bất ngờ có phiên giảm cực mạnh quay lại vùng đáy ngắn hạn.
VN-Index bất ngờ có phiên giảm cực mạnh quay lại vùng đáy ngắn hạn.

Sức ép bán tháo chiều nay càng tăng mạnh và rất nhiều nhà đầu tư cố gắng thoát ra bằng được bất chấp cả giá sàn. VN-Index có tới 423 mã đỏ nhưng chỉ 45 mã xanh cuối phiên, chỉ số bốc hơi 1,96% (-24,55 điểm), mức mạnh nhất trong vòng 30 phiên trở lại đây.

Thị trường không xuất hiện thông tin bất ngờ nào, tuy nhiên những lo ngại về căng thẳng Trung Đông được lan truyền trên nhiều diễn đàn, hội nhóm đầu tư. Sự lo lắng âm ỉ từ phiên sáng và càng lan rộng hơn buổi chiều, nhất là lúc nhiều cổ phiếu tăng khá tốt trong 6 phiên vừa qua, dễ khiến nhu cầu thoát ra tăng vọt.

Riêng chiều nay sàn HoSE đột biến tăng 90% thanh khoản so với buổi sáng, đạt 13.258 tỷ đồng, cao nhất trong 11 phiên. Đáng tiếc thanh khoản tăng cao này là do bên bán chủ động tháo chạy. Bằng chứng là độ rộng cực hẹp lúc đóng cửa với số mã giảm giá nhiều gấp 9,4 lần số tăng giá. Sàn này cũng tới 27 mã giảm hết biên độ và 170 mã khác giảm từ 2% trở lên, số mã giảm từ 1% tới 2% là 60 mã.

VN-Index đóng cửa giảm 1,96% mạnh tương đương với phiên ngày 24/6 vừa qua. Chỉ số phá vỡ mức 1240 điểm ngay đầu phiên chiều và đóng cửa rơi xuống 1226,96 điểm, tương đương với vùng đáy cũ cách đây 6 phiên. Điều này làm nổi bật rủi ro thị trường sẽ lại thúng đáy này để hình thành nhịp giảm sâu hơn.

Toàn bộ rổ VN30 chỉ còn 2 mã tăng là VCB tăng 1,68% và SSB tăng 0,69%. Tuy nhiên điều này cũng không có nghĩa là nhóm cổ phiếu ngân hàng tốt. NAB là mã còn lại duy nhất của nhóm tăng 1,65% trong khi hàng loạt blue-chips giảm rất sâu: MBB giảm 4,1%, STB giảm 3,28%, TPB giảm 2,48%, VPB giảm 2,37%, VIB giảm 2,36%, ACB giảm 2,44%...

Rổ này thậm chí có BCM giảm sàn, GVR, SSI, MSN giảm quá 3%. Đây đều là các cổ phiếu còn tăng tốt mấy ngày trước, kết quả kinh doanh không tệ. Điều này cho thấy biến động giá mạnh hôm nay không liên quan nhiều đến yếu tố cơ bản mà là một dạng phản ứng cảm tính mang tính thời điểm.

Sợ hãi dâng cao, cổ phiếu sàn la liệt, VN-Index giảm mạnh nhất 30 phiên - Ảnh 1

Với nhóm cổ phiếu đầu cơ thì dĩ nhiên sức ép cực mạnh. Trong số giảm sàn, cả loạt cổ phiếu thanh khoản cỡ trăm tỷ đồng như HAH, TCH, NTL, PDR, VOS… Chỉ số Smallcap đóng cửa mất tới 3,39% giá trị, Midcap giảm 2,73%. Chỉ riêng nhóm cổ phiếu rớt giá từ 2% trở lên trên sàn HoSE đã chiếm 69,3% tổng giao dịch của sàn.

Nhóm đi ngược dòng phiên này có 45 mã, hầu hết là không đáng kể do thanh khoản quá ít người giao dịch. Lác đác vài cổ phiếu nổi hơn là DBC tăng 2,34% khớp 170 tỷ đồng; VCB tăng 1,68% khớp 436,1 tỷ; NAB tăng 1,65% với 80,6 tỷ; PNJ tăng 0,72% với 240,7 tỷ; PVD tăng 0,54% với 189,2 tỷ.

Sự hoảng loạn đột ngột dâng cao chiều nay hoàn toàn đến từ nhà đầu tư trong nước. Khối ngoại có tăng bán nhưng cũng đẩy mạnh mua vào, mức ròng chỉ là -38 tỷ đồng. Tính chung cả ngày khối ngoại vẫn mua ròng 60,9 tỷ trên HoSE và khoảng 62 tỷ đồng nữa trên UpCOM và HNX. Các mã được mua nhiều là VCB +191,8 tỷ, VNM +158,6 tỷ, MWG +109,8 tỷ, MSN +83,1 tỷ, DBC +56,5 tỷ, BID +38,3 tỷ. Bên bán có FPT -162 tỷ, SSI -113,2 tỷ, VIX -70,8 tỷ, CTG -37,2 tỷ, VPB -36,4 tỷ, TCH -34 tỷ, HDB -32,9 tỷ.

Phiên quay đầu giảm mạnh hôm nay khiến rất nhiều cổ phiếu mất sạch biên độ tăng của 6 phiên trước đó, nhiều mã khác còn thủng cả đáy gần nhất. Thanh khoản khớp lệnh 2 sàn cả phiên tăng vọt 36% so với hôm qua, đạt 22.077 tỷ đồng. Trung bình 5 phiên liên trước hôm nay, mức khớp lệnh chỉ là 12.467 tỷ đồng/ngày. Đây là mức đột biến thanh khoản rất cao trong ngắn hạn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate