May 24, 2024 | 10:52 GMT+7

ASEAN: Tiến tới việc liên thông bảo hiểm xã hội cho lao động di cư

Thu Hằng -

Việt Nam cam kết sẽ phối hợp và hợp tác chặt chẽ với các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan trong việc quản lý lao động di cư qua biên giới hiệu quả, cũng như thúc đẩy khả năng trao đổi tiến tới có thể liên thông bảo hiểm xã hội với các nước này trong tương lai...

Đoàn Việt Nam dự Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 4 về Hợp tác lao động giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam (CLMTV) tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: MOLISA.
Đoàn Việt Nam dự Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 4 về Hợp tác lao động giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam (CLMTV) tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: MOLISA.

Theo thông tin từ Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngày 23/5 tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 4 về Hợp tác lao động giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam (CLMTV) theo hình thức trực tuyến.

Hội nghị do nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào chủ trì với sự tham dự của các Bộ trưởng, Trưởng đoàn phụ trách về lao động của các nước CLMTV, nhằm trao đổi các vấn đề liên quan đến lao động trong khu vực.

Đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Trưởng đoàn, cùng các đại biểu đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ dự tại điểm cầu Hà Nội.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn đã trao đổi, chia sẻ và cập nhật thông tin về những chính sách mới trong giai đoạn 2019-2024, những kinh nghiệm và bài học được rút ra sau 5 năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19.

Với đường biên giới chung và nhiều điểm tương đồng trong văn hóa, người lao động thường xuyên di chuyển giữa các quốc gia CLMTV, đa phần theo những kênh phi chính thức.

Điều này đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho việc thu thập đầy đủ số liệu và quản lý lao động di cư, cũng như cho việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đặc biệt là quyền được tham gia bảo hiểm xã hội.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đã thông tin tới các Bộ trưởng CLMTV, về những đổi mới trong chính sách của Việt Nam những năm qua.

Cùng với việc sửa đổi Bộ luật Lao động 2019, ban hành Nghị định 152/2020/NĐ-CP, và Nghị định số 70/2023/NĐ-CP để quản lý lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc, cũng như Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản liên quan.

Bộ trưởng, Trưởng đoàn đoàn các nước tham dự hội nghị. Ảnh: MOLISA.
Bộ trưởng, Trưởng đoàn đoàn các nước tham dự hội nghị. Ảnh: MOLISA.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá cao những nỗ lực của các quốc gia, trong việc thúc đẩy quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động di cư.

Việt Nam cam kết sẽ phối hợp và hợp tác chặt chẽ với các nước, trong việc quản lý lao động di cư qua biên giới một cách hiệu quả, cũng như thúc đẩy khả năng trao đổi tiến tới có thể liên thông bảo hiểm xã hội trong tương lai.

“Chúng tôi cũng hi vọng rằng, cơ chế hợp tác lao động cấp Bộ trưởng của các nước CLMTV sẽ góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ láng giềng khăng khít và bền chặt; thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội trong môi trường hoà bình vì sự thịnh vượng chung của khu vực”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nói.

Thông tin tại Hội nghị, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn cũng ủng hộ về mặt nguyên tắc việc thông qua Tuyên bố CLMTV, về liên thông chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động di cư khu vực CLMTV.

Việc ký Tuyên bố sẽ được thực hiện sau khi các nước đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục theo quy định.

Cuối Hội nghị, Bộ trưởng Lao động Thái Lan thông báo sẵn sàng chủ trì Hội nghị lần thứ 5 vào năm 2026.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay trong khu vực CLMTV, Thái Lan đang là quốc gia được nhiều người lao động lựa chọn đến làm việc.

Trong giai đoạn qua, theo thống kê của Cục Việc làm Thái Lan, nước này đã tiếp nhận và cấp giấy phép lao động cho hơn 3 triệu người lao động trong khu vực CLMTV.

Trong đó, có 150 nghìn người Campuchia, 169 nghìn người Lào và hơn 2,3 triệu người Myanmar. Lao động chủ yếu là các ngành không đòi hỏi trình độ cao, đầu tư và tự kinh doanh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate