Phát biểu tại Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp 2022 với chủ đề “Vực dậy nguồn lực lao động trong giai đoạn phục hồi hậu Covid- 19 – Xây dựng nơi làm việc hòa nhập" do Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy tổ chức ngày 1/6, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ cho hay, PNJ là một trong những doanh nghiệp 6 năm liền nằm trong Top 10 doanh nghiệp phát triển bền vững.
Để đạt được thành tựu trên, PNJ tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi.
Thứ nhất là kết nối người lao động bền vững. PNJ có mô hình kết nối nhân viên để tạo nên một ngôi nhà hạnh phúc, trong đó tập trung vào 5 trụ cột gồm: "An sinh", tức là làm sao người lao động có an sinh xã hội hạnh phúc như trong tâm bão Covid-19 lo tiền lương cho nhân viên để không ai bị giảm sút tiền lương, thậm chí còn ứng trước lương cho nhân viên.
Trụ cột tiếp theo là "Sáng tạo", trong giai đoạn Covid-19 đòi hỏi nhiều hình thái sáng tạo làm sao người lao động trong bối cảnh đó vẫn giữ vững tinh thần học hỏi liên tục nâng cao năng lực cho đội ngũ lao động của mình, không ai rời xa công việc dù 4 tháng đóng cửa do Covid-19.
Trụ cột "An toàn" cho người lao động, đầu 2020 công ty thành lập Ủy ban phòng chống Covid-19 ngay công ty như một bệnh viện dã chiến chăm sóc cho cán bộ công nhân viên và lẫn họ hàng bà con vợ chồng cho nhân viên, từ khâu khám bệnh đến cấp cứu làm cho người lao động an tâm, hiện tại vẫn duy trì kết nối nhiều bệnh viện để chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
"Gắn kết" cũng là văn hóa trụ cột của PNJ. Với sự chăm sóc như vậy người lao động rất gắn kết, mọi người cũng ngạc nhiên ngay sau đợt Covid-19, 6.000 nhân viên PNJ được ra Phú Quốc để tạo năng lượng mới. Trụ cột cuối cùng là "Sẵn sàng", người lao động lúc nào cũng trong tâm thế tác chiến, mỗi nhân viên như người chiến sĩ.
Kết quả năm 2020 PNJ vẫn tăng trưởng 20% doanh thu, năm 2021 dù đóng cửa gần như 90% cửa hàng trong 4 tháng nhưng vẫn tăng trưởng 10%, quý 1/2022 tăng trưởng 50%.
Thứ hai, PNJ luôn tái tạo năng lượng cho đội ngũ của mình. Có 4 trụ cột về tái tạo năng lượng gồm IQ, EQ, SQ, PhQ. Ở IQ, PNJ làm mới đội ngũ lao động bằng chương trình đào tạo để người lao động không ngừng học hỏi, đào tạo từ kỹ năng cho đến giao quyền nhiều hơn, tạo niềm tin và sự tự tin cho đội ngũ.
Về EQ, tạo kết nối nội bộ, ví dụ năm 2020 tạo sân chơi, có nhóm chương trình để mọi người kết nối học hỏi lẫn nhau, có những buổi chia sẻ lắng nghe những người lao động và có những buổi workshop để người lao động và lãnh đạo thấu hiểu lẫn nhau.
Chỉ số PhQ thì có câu lạc bộ, thể dục thể thao thể chất có ngày hội văn hóa để tạo sân chơi, có phong trào văn thể mỹ để tạo trụ cột cho SQ. Với SQ, khi người lao động làm trong PNJ người lao động hiểu họ đang được dẫn dắt đến đâu. Nhất là trong Covid-19 khó khăn nhưng người lao động đều hiểu cuối đường hầm đó là gì.
Thứ ba, Công ty PNJ hoạt động mạnh mẽ trong mạng lưới bình đẳng giới. Ở PNJ tỷ lệ nữ luôn cao hơn nam, ngay trong HĐQT cũng gồm 5 nữ trong khi đó có 4 nam. Nhưng có một khó khăn là lực lượng lao động nữ cao cấp ngày càng hạn chế nên cũng lo lắng làm sao có lực lượng lao động lãnh đạo nữ được cân bằng.
Chính sách của PNJ không phân biệt nam nữ mà luôn cân bằng, trong công ty bán lẻ của PNJ có nhiều bạn thuộc giới tính thứ ba (LBGT) nhưng các bạn cũng thoải mái công khai giới tính của mình, có các nhóm LBGT chơi với nhau, khi làm về ngày hạnh phúc công ty làm phim về LBGT và được chiếu ở NewYork. PNJ cũng có chính sách ưu tiên nữ giới hơn trong vấn đề đào tạo, hướng tới nhiều lãnh đạo nữ hơn.
"Trong quá trình hoạt động chúng tôi coi người lao động là tài sản quý giá, văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của sự phát triển. Chúng tôi sẽ có những cách làm sáng tạo hơn và làm sao để giúp cho người lao động có cuộc sống hạnh phúc hơn, đó là nguyên tắc PNJ hướng đến", bà Dung chia sẻ.