Bước ra khỏi tâm điểm bùng phát dữ dội và kéo dài của đại dịch Covid-19 trong suốt năm 2021 và đầu năm 2022, lực lượng lao động ở các khu vực kinh tế đều bị ảnh hưởng nặng nề. Những dòng dịch chuyển lao động vì nhu cầu “thoát thân” khỏi những “điểm nóng Covid-19” trong năm qua đã gây nên sự thiếu hụt, xáo trộn và mất cân bằng cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong các khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.
Theo Báo cáo đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân do Dự án Investing in Women (Đại sứ quán Australia) và Mạng lưới các Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) thực hiện trong tháng 2/2022, có 29% số người được khảo sát cho rằng năng suất lao động của họ thấp hơn so với trước. Có tới 87% số người làm việc kém hiệu quả hơn khi làm việc tại nhà cho biết do cơ sở vật chất và phương tiện làm việc tại nhà không đáp ứng hết được yêu cầu của công việc.
Bên cạnh đó, các yếu tố về thực thi trách nhiệm gia đình như làm việc nhà và chăm sóc con cái, cha mẹ trong quá trình làm việc tại nhà cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công việc và năng suất lao động. Đáng chú ý, báo cáo cũng chỉ ra tác động của đại dịch Covid-19 đối với phụ nữ nhiều hơn với nam giới (68% số người được hỏi xác nhận chỉ số về mức độ tác động này).
Một chỉ số nghiên cứu cũng đáng được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lưu tâm trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách tại nơi làm việc, đó là “tâm lý bất an” và “mức độ căng thẳng” của người lao động sau quá trình đối mặt và chứng kiến những hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch covid-19 đối với tính mạng và sức khỏe con người.
Phần lớn số người lao động được khảo sát cũng thể hiện sự quan tâm đến các chính sách tại nơi làm việc, bên cạnh mức lương, thu nhập của người lao động, các chính sách đảm bảo an toàn trên cơ sở thấu hiểu điều kiện và hoàn cảnh hiện nay của người lao động cũng rất quan trọng.
Về phía doanh nghiệp, các cuộc thảo luận nhóm với đại diện ban quản trị doanh nghiệp cũng cho thấy, bên cạnh áp lực phải đảm bảo mục tiêu phục hồi tăng trưởng, chuyển đổi số trong điều kiện thiết lập và củng cố lại cấu trúc tổ chức và quản trị hoạt động cũng như tuyển dụng lại, tuyển dụng thêm và đào tạo lại, đào tạo thêm đội ngũ lao động bổ sung sau tác động của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp còn phải đảm bảo nguồn lực tài chính phục vụ quá trình vận hành và đặc biệt chính sách lương, thưởng và an sinh xã hội cho người lao động.
Những vấn đề đặt ra trên đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với các nhà quản trị doanh nghiệp cũng như người lao động trong bối cảnh mới – giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng Covid-19. Tuy nhiên, làm sao giải các bài toán thực trạng nguồn lực lao động hiện nay nhằm “vực dậy” và “củng cố” nguồn lực trụ cột và quan trọng của doanh nghiệp, đảm bảo thành công các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững, là quan tâm lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đó, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp 2022 với chủ đề: “Vực dậy nguồn lực lao động trong giai đoạn phục hồi hậu Covid- 19 – Xây dựng nơi làm việc hòa nhập".
Diễn đàn được cấu trúc thành 2 phiên chính: Phiên tham luận và phiên thảo luận, với sự tham gia của các diễn giả đại diện các tổ chức quốc tế, hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam:
1. Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam;
2. Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch danh dự VBCWE, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP. HCM (HPDF);
3. Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI);
4. Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VBCWE, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE);
5. Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam – Myanmar – Campuchia – Lào, Phó Chủ tịch AusCham tại Việt Nam;
6. Bà Kathy Mulville, Giám đốc hợp phần Hợp tác doanh nghiệp, Investing in Women;
7. Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ, Phó Chủ tịch VAWE, Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân TP. HCM (HAWEE);
8. Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN);
9. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc, Tổng Công ty May 10;
10. Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng Phúc Khang, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam;
11. Bà Nguyễn Lan Anh, Chuyên gia phân tích ESG, Wardhaven Capital Ltd.
Diễn đàn sẽ diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến(Livestream) trên nền tảng VnEconomy.vn, FanPage VnEconomy, FanPage VBCWE vào lúc 14h30 ngày 1/6/2022.
Đăng ký tham dự Diễn đàn tại đường link: https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSdi6te_5Sr49Y6QsgaVJr9-Ya8mVAKCMvfB2rA2s1Tkp1v7eg/viewform
Toàn bộ nội dung về Diễn đàn sẽ được cập nhật trên chuyên mục Tiêu điểm VnEconomy và Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 22 phát hành ngày 30/5 .
Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!