Tăng lương của cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1/7 khi cải cách tiền lương
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Theo Bộ Nội vụ, với phương án cải cách tiền lương, từ ngày 1/7 tới đây, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm.
Bộ Nội vụ đang tham mưu cho cấp có thẩm quyền để xây dựng hệ thống bảng lương gồm lương cơ bản chiếm 70% và phụ cấp chiếm 30% tổng quỹ lương.
Ngoài ra, còn có thêm 10% quỹ lương cơ bản để người đứng đầu cơ quan, đơn vị khen thưởng. Đồng thời, người đứng đầu có quyền trong việc ban hành cơ chế để sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên thuê chuyên gia, thu hút và trọng dụng những người có tài năng vào trong khu vực công.
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Cùng với cải cách tiền lương công chức, tại Nghị quyết 104/2023/QH15 của Quốc hội cũng đề cập đến việc tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Theo đó, từ ngày 1/7/2024, đồng thời thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Mới đây, cùng với việc xét yếu tố trượt giá vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7 năm nay thêm khoảng 8%.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, với mức điều chỉnh này sẽ giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương, và người hưởng lương hưu từ ngày 1/7 trở đi.
Tuy nhiên, trước đó, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh lương hưu, vì thế, ít nhất lương hưu phải tăng 15%.
Từng có nhiều năm tham gia xây dựng chính sách tiền lương, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, việc mỗi bên đưa ra ý kiến khác nhau về mức đề xuất tăng lương hưu đều có cơ sở.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mong muốn có mức tăng cao hơn bởi lương hưu hiện vẫn thấp, nhưng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất dựa trên căn cứ thực hiện theo Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với ngân sách Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Dù vậy, từ trước đến nay đều điều chỉnh lương hưu ở mức bằng hoặc cao hơn mức tăng lương của cán bộ công chức, viên chức. Do đó, theo ông Huân, tới đây khi cán bộ công chức, viên chức được điều chỉnh lương cao hơn, thì người về hưu cũng cần được tăng lương hưu ở mức cao.
Vị nguyên Thứ trưởng cũng nhấn mạnh thêm, mức tăng lương hưu cần cân nhắc. Mức đề xuất của lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phù hợp hơn với nguyện vọng của người nghỉ hưu, song Quỹ bảo hiểm xã hội cũng sẽ phải tăng nhiều hơn số tiền chi trả.
Như thông lệ, trước khi trình Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Theo lộ trình kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến trong tháng 4/2024, sẽ trình dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng để phù hợp với cải cách tiền lương. Song, hiện chưa có con số chính xác về mức tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024.
Tăng lương tối thiểu vùng bình quân 6%
Bên cạnh tăng lương công chức, từ ngày 1/7 tới, dự kiến lương tối thiểu vùng của người lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp cũng được điều chỉnh tăng.
Bởi lẽ, cuối năm 2023, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2024 là 6% để khuyến nghị với Chính phủ, thời điểm tăng là từ ngày 1/7/2024.
Với mức điều chỉnh lương tối thiểu thêm 6%, thì tiền lương tối thiểu sẽ tăng thêm 200.000 đồng đến 280.000 đồng tùy vùng. Như vậy, sau khi điều chỉnh tăng thì mức lương tối thiểu theo từng vùng như sau: Vùng 1 nâng lên 4.960.000 đồng; vùng 2 là 4.410.000 đồng; vùng 3 là 3.860.000 đồng và vùng 4 đạt 3.450.000 đồng. Hiện hành, tiền lương tối thiểu vùng dao động từ 3.250.000 đồng đến 4.680.000 đồng.
Với mức tăng 6%, lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng ở các vùng như sau: Vùng 1 tăng lên 23.800 đồng; vùng 2 là 21.200 đồng; vùng 3 là 18.600 đồng; vùng 4 là 16.600 đồng.