UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có Công văn số 3043/UBND - VP gửi Bộ Giao thông vận tải xin ý kiến về phương án đầu tư dự án đường Vành đai 4 TP.HCM, đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chiều dài tuyến là 18,23 km, với điểm đầu tuyến tại ngã tư Tóc Tiên - Châu Pha khu vực nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và ĐT992, cách đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng 230m; điểm cuối trên địa phận huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, vị trí Hồ Bầu Cạn) tiếp nối với dự án đường Vành đai 4 TP.HCM trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo quy hoạch, tuyến Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm 8 làn xe bề rộng mặt cắt ngang 74,5m. Giai đoạn phân kỳ, tuyến được đầu tư theo quy mô cao tốc 4 làn xe với phương thức đầu tư là PPP, loại hợp đồng BOT.
Tại công văn số 3043, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất về phương án thu hồi vốn là 20 năm.
Về hình thức đầu tư, tỉnh đề xuất hai phương án. Thứ nhất, với phương án cao tốc 4 làn xe, chiều rộng nền đường 25,5m (tương tự phương án đề xuất của UBND TP.HCM), trong trường hợp Bộ Giao thông vận tải yêu cầu thống nhất quy mô này trên toàn tuyến giai đoạn 1 thì tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.972,293 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước 3.965 tỷ đồng chiếm 49,75% (vốn ngân sách trung ương 1.983 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 1.983 tỷ đồng); vốn nhà đầu tư 4.005 tỷ đồng chiếm 50,25%.
Thứ hai, với phương án cao tốc 4 làn xe, chiều rộng nền đường 27m, tổng mức đầu tư dự án khoảng 8.100,279 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước 4.095 tỷ đồng chiếm 50,57% (vốn ngân sách trung ương 2.048 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 2.048 tỷ đồng); vốn nhà đầu tư 4.005 tỷ đồng chiếm 49,43%.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ vốn ngân sách trung ương để thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026-2030 cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 50% tổng mức vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án như đề xuất chung của các địa phương trong vùng.
Bên cạnh đó, để phù hợp với phương án tài chính của các dự án trong vùng, dự kiến đề xuất chung thời gian thu hồi vốn khoảng 20 năm và thuận lợi cho việc lựa chọn nhà đầu tư, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng cần thiết phải đề xuất Quốc hội, Chính phủ tăng mức vốn đóng góp của ngân sách nhà nước vào dự án lớn hơn 50% tổng mức đầu tư dự án và lựa chọn thời gian thu hồi vốn cho các dự án khoảng 20 năm.
Theo kế hoạch, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn tổng thể phối hợp với Sở Giao thông vận tải các địa phương, các đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần để thống nhất về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật chung, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng, phân kỳ đầu tư, kế hoạch, tiến độ thực hiện... trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, chỉ đạo trong tháng 3/2024.
Để dự án sớm hoàn thành, tỉnh đề xuất nhiều cơ chế đặc thù để triển khai dự án như chính sách về khai thác vật liệu xây dựng, chính sách giải phóng mặt bằng… đã có trong các nghị quyết của Quốc hội, hiện đang được áp dụng cho những dự án cao tốc trọng điểm quốc gia. Trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trong tháng 4/2024; báo cáo Thủ tướng, trình Quốc hội thông qua trong tháng 6/2024.
Các địa phương hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả các dự án, trình cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư trong quý 3/2024; thực hiện công tác đền bù và giải phóng mặt bằng từ quý 4/2024 đến quý 4/2026; lựa chọn nhà đầu tư vào quý 3/2025; tổ chức thi công và hoàn thành công trình vào quý 4/2027.
Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM dài hơn 206 km, trong đó, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 18,23 km; qua Đồng Nai 45,6 km; qua Bình Dương 47,45 km; TP.HCM 17.3 km và Long An: 78,3 km. Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án khoảng 105.964,6 tỷ đồng.