October 28, 2023 | 14:00 GMT+7

Băn khoăn thu hồi đất sân bay Long Thành kéo dài đến năm 2024 gây chậm dự án tổng thể

Anh Tú -

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành dù chậm trễ, có thể kéo dài đến năm 2024 nhưng không ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án chung...

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho rằng dự án tổng thể Cảng hàng không quốc tế Long Thành nếu chậm thì cũng không quá 1 năm.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho rằng dự án tổng thể Cảng hàng không quốc tế Long Thành nếu chậm thì cũng không quá 1 năm.

Chiều 27/10, tiếp tục chương trình kỳ họp 6, Quốc hội thảo luận tại tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53 của Quốc hội liên quan báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG, TÁI ĐỊNH CƯ CHẬM TRỄ

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc Chính phủ kiến nghị về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết. Tuy nhiên, một số ý kiến tỏ ra băn khoăn khi tờ trình của Chính phủ chưa phân tích kỹ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của địa phương, của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện dự án.

Thảo luận tại Tổ 14, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho rằng hồ sơ cũng như các báo cáo đã trình chưa đánh giá một cách thuyết phục và kỹ lưỡng các nguyên nhân dẫn đến việc điều chỉnh dự án này, đặc biệt là việc chậm trễ về thời gian.

Sau khi rà soát các nguyên nhân được đưa ra, nguyên nhân lớn nhất lại được ghi nhận là do dịch bệnh Covid-19. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ, tuy dịch bệnh có tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nhưng không nên lạm dụng nguyên nhân này để lý giải cho mọi sự chậm trễ. Bởi thời gian triển khai dự án theo Nghị quyết 53 bắt đầu từ những năm 2017, trong khi đó, đến cuối năm 2020, dịch bệnh Covid-19 mới trở nên trầm trọng. Vì vậy, việc nêu nguyên nhân chính của chậm trễ là do dịch bệnh Covid-19 là chưa thuyết phục.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến dự án chậm trễ là do dịch bệnh Covid-19 là chưa thuyết phục.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến dự án chậm trễ là do dịch bệnh Covid-19 là chưa thuyết phục.

Bên cạnh đó, trong các báo cáo của Chính phủ cũng nêu nhiều nguyên nhân khách quan song một phần của vấn đề cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan.

Theo bà Nga, khi lập dự án, năng lực dự báo chưa tốt nên phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan. Do đó, đại biểu Quốc hội đề nghị, trong quá trình rà soát, phải đánh giá một cách chính xác hơn nữa các nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan để có thể tìm ra giải pháp.

Qua nghiên cứu báo cáo nghiên cứu khả thi, thuyết minh chung các nội dung điều chỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng bày tỏ băn khoăn với một số vấn đề như công tác triển khai các dự án đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống cho người dân thuộc phạm vi bị ảnh hưởng của dự án.

"Toàn bộ dự án dù được triển khai từ năm 2017 tới nay, mới chỉ dừng lại ở mức điều tra, khảo sát, cấp phiếu khảo sát nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các hộ gia đình bị thu hồi đất, tổ chức hội nghị tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề, phát phiếu đăng ký học nghề… Tuy nhiên, các công tác này chưa hề có kết quả nào rõ rệt, thời gian còn lại để thực hiện dự án không nhiều", Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ sự chậm trễ.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng cũng chưa chú trọng đúng mức đến việc giải quyết quyền lợi cho các hộ dân bị ảnh hưởng do phải bàn giao đất, di dời chỗ ở để thực hiện dự án. Ngoài ra, còn là những vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh nhà ở xã hội thành đất phân lô, đất cây xanh bị giảm đi đáng kể cũng cần được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Cùng quan điểm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng nội dung Nghị quyết 53 đề cập đến ba nội dung là tổng mức đầu tư, diện tích đất thu hồi và thời gian thực hiện. Tuy nhiên, ba nội dung này đến nay dự án đều chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở để biết được tổng mức đầu tư và diện tích đất thu hồi, chỉ có thời gian thực hiện là biết đã chậm. 

Cho rằng việc dự án chậm là điều đã rõ, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp bày tỏ băn khoăn liệu rằng đến hết năm 2024, dự án có hoàn thành hay không?

Đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ băn khoăn liệu rằng đến hết năm 2024 dự án có hoàn thành hay không? 
Đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ băn khoăn liệu rằng đến hết năm 2024 dự án có hoàn thành hay không? 

Nếu muốn hoàn thành thì cần phải cật lực, đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện để đạt mục tiêu đề ra. Do đó, Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, Chính phủ cũng cần có một đánh giá kỹ lưỡng, báo cáo đánh giá cụ thể, rành mạch để trình Quốc hội về tiến độ hoàn thành dự án.

Đối với dự án này, đa số đại biểu Quốc hội đề nghị, trong giải trình của Chính phủ đối với việc điều chỉnh nội dung Nghị quyết 53 cần có căn cứ thuyết phục, số liệu rõ ràng hơn nữa, cần phân tích kỹ trách nhiệm với sự cam kết mạnh mẽ để cuối năm 2024, dự án phải được hoàn thành. 

DỰ ÁN TỔNG THỂ CHẬM TIẾN ĐỘ KHÔNG QUÁ 1 NĂM

Giải trình trước góp ý của đại biểu Quốc hội về việc đến nay mới giải ngân 60% đối với dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư và ảnh hưởng tới tiến độ chung của dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, khẳng định dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, là dự án cảng hàng không có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực hàng không.

Riêng cấu phần giải phóng mặt bằng, diện tích rất lớn, hơn 5.300 ha bao gồm 5.000 ha cho sân bay, cảng hàng không và hơn 300 ha cho khu tái định cư và khu vực ngoài sân bay. Trong khi đó, bối cảnh triển khai dự án có những biến động không lường trước.

 

"Nguyên nhân là do giá nguyên vật liệu tăng cao hơn nhiều so với giá thầu cộng với khó khăn của Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp không còn đủ khả năng làm tiếp. Chính vì vậy, dự án xây dựng khu tái định cư bị ảnh hưởng", Bộ trưởng khẳng định. 

Trong hai năm Covid-19 (2020-2021), tình hình rất khó khăn để triển khai công việc, đặc biệt là việc đi xuống hiện trường kiểm tra đánh giá nghiệm thu bàn giao rất khó. Sau khi Covid-19 được kiểm soát, lại xảy ra xung đột Nga-Ukraine.

Sự kiện này khiến giá nguyên vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến dự án xây dựng khu tái định cư của người dân.

Nhớ lại thời điểm năm 2022, Bộ trưởng cho biết khi tháp tùng Thủ tướng đi kiểm tra dự án tái định cư, các khu rất quan trọng đối với người dân, đó là trường học đã phải dừng hết vì theo báo cáo của tỉnh Đồng Nai, các nhà thầu bỏ dở.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.

Song theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, đến giờ phút này, các dự án đang được khởi động, triển khai trở lạ, giai đoạn khó khăn nhất về tiến độ dự án đã qua.

Về lo ngại của Đại biểu Quốc hội liệu nếu dự án đền bù, tái định cư này bị kéo dài thêm 3 năm thì có ảnh hưởng tới tiến độ chung không, Bộ trưởng Thắng cho rằng, dù dự án giải phóng mặt bằng khu tái định cư có thể bị kéo dài đến năm 2024 nhưng tiến độ chung của dự án Long Thành vẫn đang được kiểm soát.

"Dự án tổng thể của Cảng hàng không quốc tế Long Thành nếu có chậm thì cũng không quá 1 năm. Lý do là toàn bộ phần diện tích để xây dựng fiai đoạn một (hơn 2.500 ha) đã được bàn giao đầy đủ", Bộ trưởng nhìn nhận.

Hơn nữa, vấn đề tiến độ cần quan tâm nhất là của dự án là nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhưng nay đã chọn được nhà thầu và đang triển khai. 

Trong trường hợp chậm nhất, nhà ga này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026. Song Bộ trưởng khẳng định các dự án thành phần khác hiện nay đang bám theo tiến độ của dự án nhà ga. Nhiều dự án đang có tiến độ nhỉnh, nhiều dự án đảm bảo tiến độ.

Vì vậy, có thể yên tâm, việc chậm giải ngân của dự án tái định cư không ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate