Lễ khởi công được kết nối trực tuyến giữa 2 địa điểm: Long Thành, tỉnh Đồng Nai và Tân Sơn Nhất, TP.HCM.
Ba gói thầu được khởi công bao gồm: một, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; hai, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; ba, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
HÌNH THÀNH CỤM CẢNG HÙNG MẠNH, HIỆN ĐẠI
Hai cảng hàng không này tạo thành một cụm cảng hùng mạnh, hiện đại, tương lai trở thành một trong những trung tâm hàng không lớn của khu vực, thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành hàng không Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông.
Theo đó, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện là một trong 3 cửa ngõ hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam, đang khai thác 1 nhà ga hành khách quốc tế và 1 nhà ga hành khách quốc nội.
Tuy nhiên, riêng sản lượng hành khách quốc nội qua nhà ga T1 hiện hữu đạt 26 triệu hành khách/năm, quá tải hơn 1,7 lần so với công suất thiết kế, dự kiến sang năm 2024 sẽ quá tải gấp hơn 2 lần. Mặt khác, nhiều hạng mục đầu tư của sân bay qua nhiều năm sử dụng xuống cấp, lạc hậu, quá tải, ùn ứ, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ, giảm tính cạnh tranh của địa phương và quốc gia.
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất có 3 hạng mục chính là nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga, với tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng.
Trong đó, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga T3 là hạng mục quan trọng nhất, có tổng mức đầu tư gần 9.300 tỷ đồng, dự kiến thi công trong 20 tháng (600 ngày) và sẽ hoàn thành đưa vào vận hành thử vào đầu quý 2/2025.
Sau khi hoàn thành, nhà ga hành khách T3 là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại tầu bay (Code C và Code E).
Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm và dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hoàn thành quy hoạch cảng với công suất 50 triệu hành khách/năm là hai dự án quan trọng quốc gia, công trình cấp đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành hàng không nói riêng, sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và Việt Nam nói chung.
Trong khi đó, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc nhóm 16 sân bay được mong đợi nhất thế giới, là dự án quan trọng quốc gia, thể hiện quyết tâm rất lớn, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam. Giai đoạn 1 dự án đầu tư với quy mô 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Dự kiến, sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm. Đây không chỉ là sân bay lớn nhất Việt Nam mà hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực, được kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế, không chỉ "chắp cánh" cho sự phát triển của ngành hàng không, mà còn đem lại những lợi ích tích cực tới sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng và của cả quốc gia.
Trong đó, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách Long Thành có giá trị lên đến hơn 35.000 tỷ đồng, thời gian thi công 39 tháng. Đây cũng là hạng mục quan trọng nhất của dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Còn gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có giá trị hơn 7.300 tỷ đồng, với thời gian thi công khoảng 23 tháng (700 ngày), đây là gói thầu lớn thứ 2 thuộc dự án thành phần 3 của công trình sân bay Long Thành đến thời điểm hiện nay.
Đây là hai gói thầu quan trọng của dự án, liên quan trực tiếp tới hoạt động bay an toàn, hiệu quả nên yếu tố chính xác về mặt kỹ thuật được đặt lên hàng đầu. Các công nghệ tiên tiến, trang thiết bị tối tân nhất hiện nay cũng được áp dụng vào dự án để xây dựng sân bay Long Thành hiện đại, thông minh, sánh ngang với các sân bay cùng quy mô trên thế giới.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV Lại Xuân Thanh, để các gói thầu hội tụ đầy đủ các điều kiện khởi công theo quy định của pháp luật, trước hết là nhờ sự khuyến khích, động viên, sự chỉ đạo, đôn đốc sát sao, quyết liệt, liên tục của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước, các bộ, ban ngành Trung ương.
DẤU ẤN PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀNG KHÔNG, MỞ RA KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN MỚI
Phát biểu tuyên bố khởi công 3 gói thầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của hai dự án tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có ý nghĩa quan trọng với việc kết nối trong nước và quốc tế.
Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Thực tiễn chứng minh, giao thông vận tải nói chung và sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng. Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả.
Là bộ phận quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng hàng không có tính đặc thù cao, phức tạp và hội nhập quốc tế sâu rộng. Phát triển kết cấu hạ tầng vận tải hàng không nhằm tăng cường, mở rộng các phương thức vận tải để chia sẻ, kết nối liên thông trong nước và ngoài nước, qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, cả vùng trời, vùng biển và đất liền.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, trong những năm qua, hạ tầng hàng không ở nước ta được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới với nhiều nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa, tuy nhiên, vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng, phát triển của quốc gia và quốc tế. Nhiều sân bay trở nên quá tải cả trên bầu trời và dưới mặt đất, nhất là sân bay Tân Sơn Nhất.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất là hai dự án đặc biệt lớn, có vai trò quan trọng trong hệ thống mạng cảng hàng không quốc gia.
Lễ khởi công ba hạng mục quan trọng nhất của 2 dự án cảng hàng không là sự kiện quan trọng, là dấu ấn trong sự nghiệp phát triển ngành hàng không, là "món quà" ý nghĩa nhân dịp Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Đây cũng là kết quả minh chứng cụ thể, rõ nét nhất cho sự nỗ lực hết mình của chủ đầu tư, sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua.
Là các dự án rất lớn, kỹ thuật phức tạp, lễ khởi công ba gói thầu chỉ mới là bước đầu, nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề, do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ban, ngành Trung ương, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, thúc đẩy tiến độ công trình với mục tiêu chung là bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn và hiệu quả của dự án như được thẩm định và phê duyệt.
"Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo chủ đầu tư tổ chức triển khai dự án bảo đảm chất lượng, an toàn, phấn đấu vượt tiến độ, sớm hoàn thành dự án, đưa vào khai thác sử dụng, không đội vốn bất hợp lý, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí", Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ, các ban chỉ đạo, các bộ, ngành, cơ quan với trách nhiệm và quyền hạn sẽ hết sức ủng hộ, hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc để chủ đầu tư, nhà thầu hoàn thành hai dự án có ý nghĩa rất quan trọng này.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh 6 yêu cầu các chủ thể tham gia triển khai dự án phải nghiêm túc quán triệt.
Thứ nhất, bảo đảm tiến độ và phấn đấu vượt tiến độ;
Thứ hai, phải nâng cao chất lượng;
Thứ ba, không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu;
Thứ tư, phải bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường;
Thứ năm, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu;
Thứ sáu, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, nâng cao phẩm chất và trình độ, nâng lực của đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị nói chung.