Thị trưởng mở đầu tuần mới đã phá vỡ biên độ dao động hẹp kéo dài 7 phiên vừa qua khi áp lực bán hạ giá dâng cao. VN-Index lao dốc suốt cả phiên, chốt ở mức thấp nhất, giảm 1,33% so với tham chiếu. Đây là mức giảm mạnh nhất trong 15 phiên.
Đáng chú ý nhất là lực cầu của khối ngoại gần như bốc hơi. Cả sáng nay mức giải ngân mới đạt 198,9 tỷ đồng, kém nhất 11 phiên. Trong khi đó mức bán ra là 365,3 tỷ đồng, tương ứng bán ròng 166,4 tỷ.
Điểm khá bất ngờ là dù khối ngoại giảm mua, nhưng thanh khoản trên HoSE sáng nay tăng gần 35% so với phiên trước, đạt 3.303 tỷ đồng. Điều đó thể hiện giao dịch của nhà đầu tư trong nước đã tăng lên. Tiếc rằng đó lại là kết quả của các giao dịch bán hạ giá mạnh tay.
Độ rộng sàn HoSE hiện chỉ có 68 mã tăng/292 mã giảm. Nửa đầu phiên trạng thái giảm chưa quá mạnh. Lúc 10h mới có 198 mã giảm và 125 mã tăng. Sức ép tăng dần sau đó và càng về cuối phiên giảm càng mạnh. Trong 292 mã đang đỏ, có 141 mã giảm quá 1% giá trị. Biên độ giảm mở rộng dần cho thấy hành động bán hạ giá diễn ra liên tục.
Nhóm blue-chips đang tạo sức ép nhiều nhất, VN30-Index giảm 1,76% với 2 mã tăng/27 mã giảm. Midcap giảm 1,16%, Smallcap giảm 0,75%. Toàn bộ 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất 7,8 điểm /tổng giảm 13,95 điểm là các cổ phiếu thuộc VN30. Dẫn đầu là VIC giảm 2,63%, VCB giảm 1,12%, MSN giảm 3,23%, BID giảm 1,62%, CTG giảm 1,72%. Không mấy bất ngờ khi cổ phiếu tài chính và bất động sản đang giảm nhiều nhất. Chỉ số VNFIN giảm 1,87%, VNREAL giảm 1,48%.
HoSE chưa ghi nhận hiện tượng giảm sàn cả loạt, hiện mới có 3 mã ít quan trọng. Tuy vậy số chịu sức ép và có thanh khoản lớn, giá giảm sâu cũng chiếm phần lớn nhóm giao dịch mạnh nhất: SSI giao dịch lớn nhất thị trường với 180,8 tỷ đồng giá giảm tới 2,22%; STB giao dịch 150,7 tỷ giá giảm 2%; LPB khớp 121,1 tỷ giá giảm 1,01%; DXG thanh khoản 82,6 tỷ giá giảm 2,14%, VPB thanh khoản 76,7 tỷ giá giảm 1,78%... Đây đều là các cổ phiếu thuộc Top 10 giao dịch lớn nhất thị trường.
Khối ngoại hôm nay giao dịch khá thất vọng, quy mô mua vào rất nhỏ và lại bán ròng. HPG bị xả lớn nhất -25,2 tỷ, VIC -18,6 tỷ, FEUVFVND -23 tỷ, E1VFVN30 -17,5 tỷ, VNM -13,8 tỷ, STB -12,5 tỷ... Sau sự sôi động của đợt tái cơ cấu tuần trước, vốn ngoại lúc này chỉ còn trông chờ vào quỹ Fubon ETF. Tuy nhiên các món giải ngân của quỹ này đã được chia nhỏ nên khó tác động về mặt nâng đỡ giá. Thực tế dù là quỹ ETF chỉ bám theo chỉ số, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là các quỹ này cứ nhắm mắt mua.
Trong mức thanh khoản thấp vừa qua, vốn ngoại giao dịch với tỷ trọng cao đáng kể. Khi khối này giảm giao dịch, vốn nội cần phải tăng lên mới có thể bù đắp được. Tiếc rằng phần lớn các nhà đầu cơ ngắn hạn đang bị thua lỗ, nên dòng vốn nóng hoạt động ít, chủ yếu là cắt lỗ. Có thể thấy chiều hướng giá giao dịch suy yếu dần.