May 19, 2022 | 08:11 GMT+7

Bán tháo khiến chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất 2 năm, dầu thô sụt giá, Bitcoin trượt dốc theo

Bình Minh -

Bán tháo diễn ra trên diện rộng và dữ dội, đến nỗi chỉ có 8 cổ phiếu thành viên của S&P 500 chốt phiên trong trạng thái “xanh”...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ “đỏ lửa” trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (18/5), với hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 cùng giảm mạnh nhất kể từ năm 2020, sau khi một hãng bán lẻ lớn lên tiếng cảnh báo về áp lực chi phí gia tăng. Lời cảnh báo này củng cố nỗi lo lớn nhất của nhà đầu tư về lạm phát gia tăng, dẫn tới lặp lại đà bán tháo dữ dội từ đầu năm tưởng như đã ngớt trong ba phiên trước.

Giá dầu thô cũng đi xuống và đồng tiền ảo lớn nhất thế giới Bitcoin một lần nữa để tuột mốc chủ chốt 30.000 USD.

Lúc đóng cửa, Dow Jones “bốc hơi” 1.164,52 điểm, tương đương giảm 3,57%, còn 31.490,07 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 6/2020 và mức điểm đóng cửa thấp nhất của chỉ số kể từ tháng 3/2021.

Chỉ số S&P 500 trượt 4,04%, còn 3.923,68 điểm, cũng là phiên giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020.

Chỉ số Nasdaq mất 4,73% điểm số, còn 11.418,15 điểm, đánh dấu phiên đen tối nhất kể từ hôm 5/5.

Bán tháo diễn ra trên diện rộng và dữ dội, đến nỗi chỉ có 8 cổ phiếu thành viên của S&P 500 chốt phiên trong trạng thái “xanh”.

Thị trường quay trở lại với bán tháo sau khi hai hãng bán lẻ khổng lồ là Target và Walmart lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021 với những nội dung gây lo sợ. Đón nhận báo cáo từ hai hãng này, nhà đầu tư lo rằng lạm phát leo thang sẽ ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp và nhu cầu của người tiêu dùng. Phiên này là phiên thứ 5 trong năm nay Dow Jones giảm hơn 800 điểm, và tất cả các phiên này đều xảy ra khi bán tháo được đẩy mạnh ở Phố Wall trong vòng 1 tháng trở lại đây.

“Người tiêu dùng đã thay đổi”, Giám đốc đầu tư Megan Horneman của Verdence Capital Advisors nhận định. “Từ cuối năm ngoái, chúng tôi đã nhận thấy người tiêu dùng quay sang dùng thẻ tín dụng để trả tiền mua thực phẩm và mua xăng khi giá những mặt hàng này ngày càng tăng. Tình hình đang ngày càng tệ hơn và ảnh hưởng xấu đến những hãng bán lẻ lớn như Walmart”.

Cổ phiếu Target sụt 24,9% trong phiên ngày thứ Tư, sau khi hãng bán lẻ này công bố lợi nhuận quý 1 thấp hơn nhiều so với dự báo do chi phí năng lượng và tiền lương tăng. Hãng này cũng báo cáo doanh thu thấp hơn dự báo ở những hàng hoá không phải là hàng tiêu dùng thiết yếu như TV.

Diễn biến giá cổ phiếu Target trong 2 phiên gần nhất.
Diễn biến giá cổ phiếu Target trong 2 phiên gần nhất.

Trước đó, trong phiên ngày thứ Ba, Walmart cũng công bố lợi nhuận không đạt dự báo vì chi phí năng lượng và nhân công tăng. Cổ phiếu Walmart đã giảm 11% trong phiên ngày thứ Ba và giảm thêm 6,8% trong phiên ngày thứ Tư.

“Rõ ràng là chi phí vận chuyển đang là vấn đề lớn và ảnh hưởng đến một số công ty thuộc hàng lớn nhất. Bởi vậy, tôi cho rằng nhà đầu tư đang đặt câu hỏi đâu sẽ là doanh nghiệp tiếp theo bị ảnh hưởng. Phản ứng của họ phản ánh rõ những gì đang xảy ra ở các công ty thuộc lĩnh vực tiêu dùng”, nhà sáng lập Kim Forrest của Bokeh Capital nhận định.

Loạt cổ phiếu bán lẻ khác cũng bị bán tháo sau báo cáo tài chính gây thất vọng của Target. Quỹ ETF SPDR S&P Retail chuyên cổ phiếu bán lẻ giảm 8,3%. Amazon sụt 7,2%; Best Buy mất 10,5% giá trị; Dollar General sụt 11,1%; Dollar Tree lao dốc 14,4%; Macy’s tụt 10,7%; Kohl’s giảm 11%; Lowe’s giảm 5,3%...

“Bất kỳ công ty nào dựa vào tiêu dùng của hộ gia đình và doanh thu từ các mặt hàng không thiết yếu cũng đều có thể ‘chịu trận’ trong quý này, vì nhiều phần thu nhập khả dụng sẽ được chuyển sang để mua thực phẩm và năng lượng” – nhà sáng lập Jack Ablin của Cresset Capital nhận định.

Gần đây, chứng khoán và các tài sản rủi ro khác chịu áp lực bán tháo mạnh từ nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát. Việc Fed mạnh tay nâng lãi suất đã dẫn tới nỗi lo kinh tế Mỹ suy thoái.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, nhà đầu tư nổi tiếng Jeremy Grantham nói rằng đợt giảm này của thị trường tệ hơn cả bong bóng công nghệ hồi thập niên 2000. Ông Grantham - một người được biết đến nhờ khả năng dự báo chính xác các bong bóng tài chính – cho rằng mức độ giảm giá cổ phiếu ở Phố Wall có thể tăng gấp đôi trước khi chạm đáy.

“ Tôi cho rằng chí ít, thị trường sẽ giảm gấp đôi. Nếu chúng ta không may, điều đó rất có khả năng trở thành hiện thực. Xu hướng giảm này có thể duy trì trong khoảng 2 năm như hồi những năm 2000”, ông Grantham nói.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm dưới mốc 2,9% sau khi vượt 3% trong phiên ngày thứ Tư, khi nhà đầu tư quay trở lại mua trái phiếu để tìm kiếm an toàn.

Đến nay, Dow Jones đã giảm 7 tuần liên tiếp. Tuần trước, S&P 500 ngấp nghé thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) - trạng thái được định nghĩa bằng mức giảm 20% so với đỉnh gần nhất.

Diễn biến chỉ số Dow Jones 5 năm qua.
Diễn biến chỉ số Dow Jones 5 năm qua.

Sau phiên ngày thứ Tư, S&P 500 đang thấp hơn 18,6% so với kỷ lục và đã giảm 17,7% từ đầu năm.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,41 USD/thùng, tương đươn giảm 2,4%, còn 109,52 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 2,5 USD/thùng, tương đương giảm 2,2%, còn 109,85 USD/thùng.

Dầu tăng giá sau khi dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy các nhà máy lọc dầu ở nước này đang đẩy mạnh việc tăng sản lượng, theo đó giải toả bớt nỗi lo về tình trạng thăt chặt nguồn cung. Ngoài ra, giá dầu còn đối mặt áp lực giảm sau khi có tin Mỹ đang dự kiến nới trừng phạt đối với Venezuela và cho phép tập đoàn Chevron đàm phán hợp tác khai thác dầu với hãng dầu lửa quốc doanh PDVSA của quốc gia Nam Mỹ này.

Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thể thuyết phục Hungary từ bỏ việc phản đối cấm vận dầu Nga.

Tuy nhiên, những thông tin về nguồn cung vẫn đang có lợi cho giá dầu. Dữ liệu từ OPEC+ cho thấy sản lượng dầu thô của Nga trong tháng 4 giảm gần 9% so với tháng 3. OPEC+ là Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga.

Về nhu cầu, lượng tiêu thụ dầu của Trung Quốc có thể sớm phục hồi khi nước này bắt đầu nới các biện pháp phong toả chống Covid ở Thượng Hải.

Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin lúc gần 8h sáng nay theo giờ Việt Nam đứng ở 28.961 USD, giảm 5,2% so với cách đó 24 tiếng. Nhiều tiền ảo khác cũng giảm giá, khiến tổng vốn hoá tiền ảo toàn cầu giảm 6,5%, còn 1,23 nghìn tỷ USD – theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate