March 26, 2024 | 06:00 GMT+7

Báo chí chuyển đổi trước làn sóng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo

Bảo Bình -

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ: trung tâm của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là công nghệ số, và trung tâm của công nghệ số là AI...

Hội báo toàn quốc năm 2024 đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho các “nhà báo, nhà đài” trình diễn các sản phẩm truyền thông cũng như khẳng định vị thế báo chí trong công cuộc chuyển đổi mạnh mẽ trước làn sóng công nghệ số lên ngôi. 

Báo chí chuyển đổi số, báo chí với trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những điểm nhấn nổi bật của Hội báo Xuân toàn quốc năm nay. Hơi thở công nghệ thể hiện mạnh mẽ trong từng gian hàng của hơn 600 cơ quan báo chí Trung ương, địa phương tham dự Hội báo cũng như tại các phiên chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024.

Với 10 phiên chuyên đề và 2 phiên khai mạc, bế mạc, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đã khẳng định báo chí có nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng Hội báo toàn quốc năm 2024 đã lựa chọn ra 10 chủ đề quan trọng nhất để tập trung.

Trong số 10 phiên chuyên đề này, các chủ đề liên quan đến công nghệ và báo chí chiếm một thời lượng lớn, xuyên suốt từ các chủ đề báo chí dữ liệu đến đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn, từ sức mạnh AI đến chuyện bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số.

Điều đó cho thấy công nghệ đang có sức ảnh hưởng lớn đến ngành báo chí, cũng như nhận thức cao của ngành báo chí về tầm quan trọng của công nghệ. Việc tập trung vào các vấn đề liên quan đến công nghệ không chỉ phản ánh xu hướng phát triển mới mẻ, mà còn thể hiện cam kết của báo chí Việt Nam thích ứng với những thay đổi. 

CÔNG NGHỆ SỐ ẢNH HƯỞNG MẠNH MẼ LÊN BÁO CHÍ

“Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định như vậy trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số lấy đi một số việc cũ nhưng cũng tạo ra những việc mới và báo chí phải làm những việc mới đó, phải đổi mới báo chí. Báo chí giờ đây không chỉ giải đáp những câu hỏi “Ai, cái gì, khi nào và ở đâu” nữa, mà phải rộng hơn rất nhiều. Trong quá trình đổi mới này, báo chí cần không gian mới, lực lượng sản xuất mới, nguồn lực sản xuất mới, yếu tố sản xuất mới và động lực mới. Tất cả những điều này đều liên quan đến “số”. 

Cụ thể, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số”. Bởi vậy, theo Bộ trưởng, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: trung tâm của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là công nghệ số, và trung tâm của công nghệ số là AI. Sự đổi mới này sẽ chỉ làm tăng lên vai trò và sự đóng góp của báo chí cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. 

Bàn về những thách thức và cơ hội mới của báo chí, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông Lê Quốc Minh, cho rằng trí tuệ nhân tạo là một trong những thách thức lớn nhất, đồng thời cũng là cơ hội tiềm năng cho ngành báo chí. Thực tế, nhiều tòa soạn lớn trên thế giới cũng có chung nỗi lo trước những rủi ro mà AI có thể mang lại, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nội dung, như đối mặt với vấn nạn tin giả, sử dụng AI để bóp méo hình ảnh, tạo ra deep fake gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Mặc dù có những mặt trái như trên, báo chí vẫn không thể “tẩy chay” AI mà phải tận dụng các ưu điểm của công nghệ này để nâng cao hiệu quả sản xuất nội dung và có biện pháp bảo vệ bản quyền, phòng ngừa để giảm thiểu rủi ro. Theo kết quả khảo sát được Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện, năm 2023 đã chứng kiến sự gia tăng đột biến của các trang tin tức sử dụng AI, với hơn 620 trang web cung cấp lượng lớn bài viết được tạo ra bởi máy móc bằng hơn 10 ngôn ngữ khác nhau.

“Nhiều thiết bị, công nghệ mới xuất hiện đã và đang tạo ra cơ hội lớn cho báo chí phát triển. Trong năm 2024, chúng ta sẽ chứng kiến sự xuất hiện của những thiết bị mới ngoài điện thoại thông minh, sử dụng các cách thức tương tác như ra lệnh bằng giọng nói, chuyển động của mắt hoặc tay" ông Lê Quốc Minh cho biết.

GIẢI BÀI TOÁN ĐẦU TƯ VÀ NHỮNG THÁCH THỨC KHI ỨNG DỤNG AI

Không còn cơ quan báo chí nào có thể đứng ngoài “cơn sốt AI”, tuy nhiên việc ứng dụng AI như thế nào vẫn là một bài toán gây tranh cãi. Bởi vì, bên cạnh cơ hội là những thách thức lớn mà báo chí phải đối mặt trong thời đại AI, thậm chí là cạnh tranh với AI. Các trang tin tức AI có khả năng sản xuất tin tức với tốc độ chóng mặt và số lượng khổng lồ. Ví dụ, một trang tin tức AI có thể tạo ra trung bình 1.200 bài viết mỗi ngày, cao hơn nhiều so với con số 250 bài/ngày của tờ The New York Times. 

Nhận thức rõ sức nóng của công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo với báo chí, tuy nhiên câu chuyện đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn báo ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus, ông Nguyễn Hoàng Nhật, cho biết báo chí không thể tách rời công nghệ và nhiều cơ quan báo chí lớn đã bắt đầu chuyển mình theo hướng trở thành các công ty công nghệ báo chí, theo mô hình media-tech. Song, nhiều cơ quan báo chí vẫn đứng trước câu hỏi: Liệu việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ có thực sự mang lại nguồn thu tương xứng, các nền tảng số có bù đắp được phần doanh thu sụt giảm của các mô hình báo chí truyền thống.

Giới thiệu về mô hình tòa soạn hội tụ, ông Bùi Công Duyến, Giám đốc sản phẩm ONECMS, cho rằng tòa soạn hội tụ với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo sẽ giúp các cơ quan báo chí tiết kiệm rất nhiều nguồn lực khi từ một bài viết gốc có thể dễ dàng chuyển đổi thành các loại hình báo chí khác nhau, tận dụng thế mạnh của từng loại hình báo chí để hỗ trợ cho nhau...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 13-2024 phát hành ngày 25/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Báo chí chuyển đổi trước làn sóng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate