February 28, 2022 | 15:45 GMT+7

“Bão giá” hàng hóa cơ bản: Cổ phiếu phân bón, thép, khoáng sản trần cả loạt

Kim Phong -

Blue-chips tiếp tục giao dịch nhạt nhòa trong phiên chiều, khiến VN-Index không gượng dậy nổi, chốt phiên càng rơi xa khỏi mốc 1.500 điểm. Tuy nhiên thị trường chung không vì thế mà kém, hàng trăm cổ phiếu trong chỉ số này vẫn tăng giá, với 26 mã kịch trần. Nhóm cổ phiếu phân bón, cổ phiếu thép và các mã vốn hóa nhỏ giao dịch nóng nhất...

Dòng tiền đang lựa chọn các cổ phiếu hưởng lợi từ chiến tranh và cấm vận, trừng phạt.
Dòng tiền đang lựa chọn các cổ phiếu hưởng lợi từ chiến tranh và cấm vận, trừng phạt.

Blue-chips tiếp tục giao dịch nhạt nhòa trong phiên chiều, khiến VN-Index không gượng dậy nổi, chốt phiên càng rơi xa khỏi mốc 1.500 điểm. Tuy nhiên thị trường chung không vì thế mà kém, hàng trăm cổ phiếu trong chỉ số này vẫn tăng giá, với 26 mã kịch trần. Nhóm cổ phiếu phân bón, cổ phiếu thép và các mã vốn hóa nhỏ giao dịch nóng nhất.

Thị trường chiều nay thực chất là mạnh lên so với phiên sáng, chỉ có VN30 là yếu đi. Bằng chứng là độ rộng tốt hơn, từ chỗ HoSE chỉ có 152 mã tăng/277 mã giảm trong buổi sáng, kết phiên chiều có 202 mã tăng/252 mã giảm.

Dòng tiền đang tìm kiếm địa chỉ để giải ngân, tạo nên sự phân hóa ở cổ phiếu, bất chấp hướng đi của chỉ số. VN-Index kết phiên giảm 8,76 điểm tương đương 0,58%, VN30-Index giảm 0,61%, Midcap giảm 0,46% và Smallcap tăng 0,47%.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ dường như mạnh hơn, đồng thời cũng là nhóm duy nhất có thanh khoản tăng hôm nay. Cụ thể, rổ Smallcap giao dịch 4.352,3 tỷ đồng, tăng 12% so với phiên trước, trong khi Midcap giảm 17%, VN30 giảm 5%. Rổ Smallcap cũng có 12 mã kịch trần trong tổng số 26 mã tăng hết biên độ ở HoSE.

Nhóm cổ phiếu phân bón ăn theo giá dầu, hầu hết tăng rất khỏe. DPM, DCM và SFG là 3 mã tăng kịch biên độ ở nhóm này. DDV, LAS, DGC, BFC... cũng tăng trên 1%.

Nhóm thép và khoáng sản cũng tăng rất mạnh do giá hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng cao. NKG và HSG đại diện các cổ phiếu thép tăng kịch trần. SMC, TNS, TLH, KSB... cũng tăng hết biên độ. Đặc biệt nhóm cổ phiếu than tăng trần hết như TMB, NBC, TVD, THT, HLC, TDN...

Trong khi đó nhóm cổ phiếu dầu khí lại phân hóa. GAS chiều nay bị ép về tận tham chiếu và gần cuối phiên mới nhích lên, tăng 0,68%. PLX cũng bị ép xuống tham chiếu và đóng cửa lại giảm 0,16%. Tuy nhiên PVS vẫn tăng 3,25%, PVC tăng 10%, PVT tăng 2,47%, PVD tăng 2,05%...

Dựa vào các chỉ số nhóm ngành sàn HoSE, duy nhất nhóm vật liệu và năng lượng là còn tăng giá: VNMATERIAL tăng 3,12%, VNENERGY tăng 1,31%.

VN-Index mất trụ, lình xình không ngóc lên nổi.
VN-Index mất trụ, lình xình không ngóc lên nổi.

Nhóm cổ phiếu thép hôm nay xác lập vị trí thống trị về thanh khoản: HPG dẫn đầu thị trường với 1.654,3 tỷ đồng khớp lệnh, NKG thứ hai với 860,5 tỷ đồng và HSG thứ 3 với 822,3 tỷ đồng. Trong đó NKG lập kỷ lục lịch sử, HSG lập kỷ lục 5 tháng về thanh khoản.

Do GAS suy yếu nhiều trong buổi chiều, nên trụ duy nhất còn hiệu lực của VN-Index là HPG, tăng 2,83%. Cổ phiếu này cuối phiên sáng tăng 1,09% nhưng sang chiều cầu vào tốt hơn hẳn. Giao dịch riêng chiều tại HPG lên tới 1.120,7 tỷ đồng và giá tăng thêm 1,72%. Rổ VN30 kết phiên cũng chỉ có 8 mã tăng và 21 mã giảm, nhưng số tăng không có hiệu quả. FPT tăng 1,08% là mạnh nhất sau HPG, vốn hóa quá nhỏ. VN30-Index đóng cửa giảm 0,61% so với tham chiếu.

VIC chiều nay tiếp tục gây thêm áp lực khi lại giảm sâu hơn khoảng 0,26% nữa, đóng cửa mất 2,65% so với tham chiếu. Tuy vậy VIC chỉ là 1 mã trụ rơi mạnh, thống kê cho thấy cả rổ có 19/30 cổ phiếu tụt giá sâu hơn buổi sáng, chỉ 9 mã có cải thiện. Do vậy mặt bằng giá blue-chips nói chung là kém.

Chiều nay khối ngoại cũng tăng bán dữ dội, tổng mức bán ra ròng tại HoSE lên 797,4 tỷ đồng, trong khi cuối phiên sáng mới là -239,3 tỷ đồng. HPG bị xả ròng khổng lồ, từ mức 89,2 tỷ đồng buổi sáng lên 353 tỷ đồng cả ngày. CTG cũng bị bán ròng khủng 121,7 tỷ, VIC gần 106 tỷ. Nhóm KBC, HDB, POW, GEX, GAS, PNJ, LPB đều từ 40 tỷ đến trên 50 tỷ đồng ròng. Phía mua ngoài chứng chỉ quỹ FUEVFVND thì chỉ có NLG, TPB, VRE là đáng kể.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate