April 11, 2023 | 10:35 GMT+7

Bảo hiểm thất nghiệp và quản trị thất nghiệp

Lý Hà -

Thất nghiệp cũng là một dạng “rủi ro” cần được quản trị bởi nó dễ xảy ra trong nền kinh tế thị trường. Quản trị là nhằm phòng ngừa thất nghiệp từ sớm, vì thế bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là công cụ an sinh xã hội mà còn phải là “công cụ quản trị thị trường lao động”...

Thất nghiệp cũng là một dạng “rủi ro” cần được quản trị bởi nó dễ xảy ra trong nền kinh tế thị trường
Thất nghiệp cũng là một dạng “rủi ro” cần được quản trị bởi nó dễ xảy ra trong nền kinh tế thị trường

Bằng cách nào để “quản trị thất nghiệp” trong tình hình hiện nay? Vấn đề này đã được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đó là phải sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của họ, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp.

Nói theo tinh thần “quản trị” là chúng ta cần sửa đổi bổ sung các chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng đến quỹ bảo hiểm thất nghiệp phải thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động.

THẤT NGHIỆP, MỘT DẠNG RỦI RO CẦN KIỂM SOÁT

Thất nghiệp không chỉ gây hậu quả trực tiếp cho những cá nhân mất việc làm, ảnh hưởng đến đời sống của gia đình, họ mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Thông thường, để đánh giá khái quát tình hình thất nghiệp của một quốc gia, người ta đưa ra chỉ số tỷ lệ thất nghiệp, là chỉ số phần trăm số người thất nghiệp so với tổng số người trong lực lượng lao động.

Đây cũng là chỉ số kinh tế quan trọng, cho biết sức khỏe của một nền kinh tế qua khả năng của một người lao động có thể kiếm được việc làm hay không trong thị trường lao động.

 

Tính đến quý 3/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện chi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 13,3 triệu lượt người lao động, với số tiền 31.836 tỷ đồng.

Không những vậy, chỉ số này còn góp phần phản ánh tình hình hoạt động của thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp thường có xu hướng biến động do nhiều yếu tố như: phụ thuộc vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; điều kiện, quá trình công nghiệp hóa mạnh hay yếu của từng khu vực, từng địa phương; tình hình thiên tai dịch bệnh…

Thực tế phát triển của nền kinh tế cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tăng trong thời kỳ kinh tế suy thoái và giảm trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng, phát triển. Đặc biệt, nếu tỷ lệ thất nghiệp cao và xuất hiện liên tục trong một thời gian dài, sẽ là một trong những cảnh báo về tình trạng suy thoái của nền kinh tế.

Nhìn chung, thất nghiệp cũng là một dạng rủi ro cho người lao động, cho ngưởi sử dụng lao động và nó có tác động xấu cho cả xã hội. Trước hết, thất nghiệp tăng chứng tỏ nền kinh tế chưa sử dụng tốt các nguồn lực để tạo ra sản phẩm, dịch vụ tối ưu và nó tạo ra sự áp đặt chi phí cơ hội cho cả nền kinh tế. Thất nghiệp làm cho thu nhập và lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, nên việc thu thuế của Nhà nước cũng bị giảm, dẫn tới chi tiêu công cũng giảm theo.

Nạn thất nghiệp tăng khiến các dây chuyền sản xuất ít đi, dễ bị ách tắc khiến năng suất lao động giảm, tạo điều kiện cho lạm phát tăng lên. Ngoài ra, thất nghiệp còn có nguy cơ làm tăng số người quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần khi mất việc; đồng thời, làm giảm số người tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

Thất nghiệp khiến cho việc chi trợ cấp thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ tăng lên, thậm chí còn kéo theo tăng chi phí y tế cho người dân do bị ảnh hưởng tinh thần khi thất nghiệp. Do vậy, rủi ro thất nghiệp cần có chiến lược quản trị như nhiều rủi ro khác.

Gần 14 năm nay, đặc biệt từ năm 2015 đến nay, việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần không nhỏ hạn chế những tác hại của rủi ro thất nghiệp. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp luôn là công cụ an sinh xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến quý 3/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện chi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (theo quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho hơn 13,3 triệu lượt người lao động, với số tiền 31.836 tỷ đồng.

Đó là minh chứng rõ ràng nhất về ưu điểm của chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Các gói hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần củng cố niềm tin của người lao động, người sử dụng lao động vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã tăng lên trong những năm gần đây.

CẦN SỚM HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp của chúng ta hiện còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp. Với tinh thần quản trị rủi ro nhằm chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp, Việt Nam cần sớm hoàn thiện chính sách để bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động.

Bảo hiểm thất nghiệp và quản trị thất nghiệp - Ảnh 1

Hiện, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) theo 4 nhóm chính sách: phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, thống nhất, có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng tới là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.

Việc bổ sung, sửa đổi Luật Việc làm theo 4 nhóm chính sách trên hầu như đều có tác động đến việc phòng ngừa thất nghiệp, vì một thị trường lao động mà cung - cầu lao động gặp nhau là yếu tố then chốt của một thị trường lao động cạnh tranh hoàn hảo. Người lao động, người sử dụng lao động có đầy đủ thông tin về thị trường lao động sẽ dễ dàng kết nối với nhau. Sự kết nối này không những giúp cho thị trường lao động vận hành tốt, mà còn hỗ trợ cho chính sách đào tạo và kích thích nhu cầu học nghề và học chuyên môn phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Đương nhiên, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ cho người lao động khoản thay thế thu nhập khi họ bị mất việc làm vẫn là điều cơ bản trong chính sách, nhưng khi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chú ý tới các biện pháp chủ động phòng ngừa thất nghiệp cho người lao động (bằng cách giúp kết nối cung - cầu lao động, tạo ra việc làm đầy đủ;

Tập trung phát triển lao động có kỹ năng cao, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại do yêu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp;

Tạo ra sự liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để xác định đúng nhu cầu doanh nghiệp, đến chất lượng đào tạo), thì đó cách bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động hiệu quả nhất. Thực chất, đó cũng là các mục tiêu của một thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập mà chúng ta đang xây dựng, phát triển.

Vì thế, chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng đến phòng ngừa thất nghiệp luôn gắn chặt với chính sách phát triển thị trường lao động. Khi nói để bảo hiểm thất nghiệp trở thành công cụ quản trị thị trường lao động cũng hàm ý hướng tác động của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, giúp thị trường lao động hoàn thiện hơn, quan hệ cung - cầu lao động tốt hơn, chất lượng việc làm, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được hoàn thiện, nâng cao hơn. Sửa đổi Luật Việc làm với 4 nhóm vấn đề trên sẽ phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ không chỉ là chính sách chi trả cho người lao động, mà ngày càng trở thành công cụ quản trị thị trường lao động. Bởi quản trị là giúp cho sự phối hợp hiệu quả các chính sách, nguồn lực để nhằm đạt được các mục tiêu phát triển thị trường lao động, kiểm soát được thất nghiệp.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2023 phát hành ngày 10-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Bảo hiểm thất nghiệp và quản trị thất nghiệp - Ảnh 2
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate