April 04, 2023 | 12:03 GMT+7

Bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ bổ sung thêm chế độ thai sản

Nhật Dương -

Với việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động sẽ nhận được trợ cấp thai sản 2 triệu đồng/con sinh ra, theo đề xuất của cơ quan soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…

Người lao động được tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh - BHXH Việt Nam.
Người lao động được tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh - BHXH Việt Nam.

Hiện nay, theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ bao gồm hai chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết, quy định về đóng bảo hiểm xã hội của những người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện cũng chỉ gồm việc đóng vào quỹ hưu trí tử tuất, do vậy tỷ lệ đóng là 22%, người tham gia được lựa chọn mức đóng từ thấp nhất đến mức cao nhất.

Tuy nhiên, dự thảo sửa Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung thêm chế độ thai sản vào vào nhóm quyền lợi mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng.

Theo đó, dự thảo Luật quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản, nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Theo Điều 100 dự thảo Luật, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được giải quyết hưởng chế độ thai sản khi lao động nữ sinh con hoặc khi lao động nam đang đóng bảo hiểm mà có vợ sinh con.

Điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp này là người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian vòng 12 tháng trước khi sinh con. Với việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động sẽ nhận được trợ cấp thai sản 2 triệu đồng/con sinh ra.

“Đây được cho là giải pháp để đa dạng, linh hoạt các chế độ bảo hiểm xã hội, tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhằm thu hút người dân, đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”, ông Cường nói.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tính toán, kinh phí chi hỗ trợ để thực hiện chính sách trợ cấp thai sản đối với lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sinh con dự kiến giai đoạn 2024 - 2030, ngân sách nhà nước phát sinh tăng 750 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 107 tỷ đồng). Tuy nhiên, đối với người lao động sẽ được hưởng thêm quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Việc này cũng có tác động tích cực, góp phần làm giảm khoảng cách về các chế độ giữa bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đáng chú ý, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không phải đóng thêm so với quy định hiện hành. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Nguyễn Duy Cường, trong quá trình đánh giá chính sách, ban soạn thảo nhận thấy đặc thù của nhóm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đều là những người làm việc ở khu vực phi chính thức, công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh.

Do đó, nếu bổ sung chế độ mà lại quy định trách nhiệm đóng thì sẽ gây khó khăn cho nhóm này. “Bổ sung thêm chế độ thai sản nhưng người lao động không phải đóng thêm, để đảm bảo việc chi trả ngân sách nhà nước sẽ đứng ra hỗ trợ để gia tăng tính hấp dẫn của chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện”, ông Cường tái khẳng định.

Trước những ý kiến cho rằng có nên tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nam không, ông Cường phản hồi việc này cần đánh giá khả năng cân đối quỹ ngắn hạn là quỹ ốm đau thai sản.

Trong những năm vừa qua, về cơ bản quỹ ốm đau thai sản thu và chi ngang nhau, do vậy, nếu đề xuất tăng thêm quyền lợi hưởng của các chế độ, đặc biệt quy định lao động nam cũng nghỉ dài như lao động nữ, song không thêm chế độ đóng thì chắc chắn khả năng cân đối quỹ này sẽ không đảm bảo được trong ngắn hạn.

Hiện hành, trách nhiệm đóng vào quỹ ốm đau thai sản 100% là của người sử dụng lao động, nếu quy định thêm quyền lợi, trách nhiệm đóng của người sử dụng lao động trong bối cảnh tình hình thực tiễn những năm qua có nhiều khó khăn, thì ông Cường cho rằng việc tăng tỷ lệ đóng đối với khu vực doanh nghiệp là không khả thi.

“Do vậy, liên quan đến tăng thời gian nghỉ thai sản với lao động nam hiện vẫn giữ như hiện hành, tức là khi vợ sinh con thì lao động nam được nghỉ từ 5 – 14 ngày tùy theo các trường hợp”, ông Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cường, thực tế hiện nay lao động nam đã có nhiều quyền lợi liên quan đến chế độ thai sản, chứ không chỉ được nghỉ 5 – 14 ngày. Ví dụ, các trường hợp khác lao động nam cũng được nghỉ hưởng chế độ thai sản như vợ sinh gặp rủi ro mà không đủ sức khỏe chăm sóc con, thì lao động nam cũng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi; và nhiều chế độ khác liên quan đến chế độ thai sản.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate