Sau 26 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN, ASEAN luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và khu vực thị trường ASEAN không ngừng phát triển trong các năm qua và đạt được các thành tựu đáng kể.
Đến thời điểm hiện nay, số liệu thống kê của của Bộ Công Thương cho thấy, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của doanh nghiệp Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.
Năm 2020, dưới các ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với ASEAN đạt 53,6 tỷ USD, giảm 6,8% so với năm 2019.
Tuy nhiên, sang năm 2021, thương mại đã phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và ASEAN trong 8 tháng năm 2021 đạt 46 tỷ USD, tăng tới 35,2% so với cùng kỳ năm 2020 (cao hơn mức tăng trưởng xuất nhập khẩu trung bình của Việt Nam với thế giới – 27,5%) và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm chưa có dịch bệnh Covid-19).
Đạt được kết quả trên, Bộ Công Thương cho rằng, là kết quả của những nỗ lực tìm hiểu, khai thác các lợi thế, cơ hội mà khu vực thị trường ASEAN mang lại.
Bên cạnh đó, ASEAN là khu vực thị trường có khoảng cách địa lý gần, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí lưu kho bãi. Doanh nghiệp cũng có nhiều lựa chọn phương thức vận chuyển hàng hóa như vận tải đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Hiện nay, hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này đều được hưởng ưu đãi với mức thuế quan 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) hoặc hưởng một số ưu đãi đặc biệt hơn theo các Hiệp định, Thỏa thuận thương mại song phương với từng nước như Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào, Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Campuchia...
Mặt khác, đây là thị trường có những nét văn hoá gần gũi, tương đồng nên hàng hóa của Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, giá thành khi xuất khẩu sang ASEAN. Hầu như tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều có thể coi ASEAN là đích đến.
Bộ Công Thương đánh giá, trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội khai thác hơn nữa tiềm năng khu vực thị trường này bởi các nước ASEAN sẽ đẩy nhanh triển khai các biện pháp nhằm phục hồi kinh tế hậu Covid-19 như cam kết mở cửa thị trường, đảm bảo chuỗi cung ứng, thuận lợi hóa thương mại.
Để nắm bắt cơ hội này, theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp cần liên tục cập nhật thông tin về các chính sách, quy định của thị trường sở tại, đặc biệt là các yêu cầu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm phòng chống, kiểm soát Covid-19.
Các quy định, yêu cầu này có thể thay đổi nhanh, bất ngờ, tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Doanh nghiệp chủ động tiếp cận các thông tin này tại một số kênh thông tin chính thức của Bộ Công Thương như website Bộ Công Thương (www.moit.gov.vn), cổng thông tin thị trường nước ngoài (www.vietnamexport.com)...
Đồng thời, chủ động xác thực thông tin đối tác tại nước sở tại bằng nhiều cách khác nhau để hạn chế các rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng và thanh toán. Doanh nghiệp có thể liên hệ với cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại để đề nghị hỗ trợ kiểm tra thông tin đối tác trước khi quyết định ký hợp đồng hoặc thực hiện các giao dịch.
Đặc biệt, trong bối cảnh gần đây một số nước ASEAN gia tăng áp dụng các rào cản thương mại, biện pháp phòng vệ thương mại để hỗ trợ khôi phục sản xuất trong và sau đại dịch, do đó các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin đầy đủ, chính xác để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Có kế hoạch đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế, không để phụ thuộc vào một thị trường nhất định…