Nga và Saudi Arabia đang tính mạnh tay cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu khi OPEC+ nhóm họp tại Vienna vào ngày 5/10, cho dù một động thái như vậy có thể khiến Mỹ “nổi giận” - theo tờ Financial Times.
Những ngày gần đây, giới thạo tin tiết lộ với các hãng tin lớn và tờ báo phương Tây rằng, Riyadh, Moscow cùng các nước sản xuất dầu lớn trong OPEC+ khác đang cân nhắc hạ sản lượng dầu với mức cắt giảm lớn. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
CUỘC HỌP QUAN TRỌNG CỦA OPEC+
Bất kỳ mức cắt giảm nào cũng cần có sự nhất trí của tất cả các nước thành viên trong liên minh, nhưng Saudi Arabia và Nga được cho là muốn giảm 1-2 triệu thùng/ngày, thậm chí là hơn. Việc giảm sản lượng sẽ không diễn ra ngay trong một lần mà mức giảm sẽ tăng dần qua các tháng. Giới phân tích cho rằng nếu OPEC+ áp dụng mức cắt giảm sản lượng lớn như vậy, Mỹ chắc chắn sẽ có các biện pháp đáp trả.
“Saudi Arabia không còn như xưa nữa, và có vẻ như Mỹ đã hơi chậm một chút hoặc không sẵn sàng để thừa nhận điều đó trong các vấn đề về năng lượng”, nhà phân tích Raad Alkadiri của Eurasia Group nhận định. “Nếu Riyadh muốn giá dầu tăng cao hơn, họ đã phát tín hiệu rõ ràng là họ sẽ theo đuổi mục tiêu đó, cho dù hệ quả có là một phản ứng trả đũa của Mỹ”.
Một nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận của OPEC+ nói rằng việc cắt giảm sản lượng sẽ dựa trên mức sản lượng thực tế hiện nay của OPEC+, không phải là mức hạn ngạch sản lượng mà khối này đang áp dụng.
Cuộc họp ngày thứ Tư của OPEC+ tại thủ đô của nước Áo được triệu tập một cách vội vã. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của khối kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Giới phân tích đánh giá đây là cuộc họp quan trọng nhất của liên minh này trong nhiều năm trở lại đây.
Phó thủ tướng Nga Alexander Novak, quan chức cấp cao nhất phụ trách vấn đề năng lượng của nước này, có thể sẽ dự họp và được cho là sẽ ủng hộ việc mạnh tay cắt giảm sản lượng dầu, bởi dầu thô Nga đang giao dịch với mức giá thấp hơn giá tiêu chuẩn của thị trường quốc tế vì bị khách châu Âu từ chối mua.
Một nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận của OPEC+ nói rằng việc cắt giảm sản lượng sẽ dựa trên mức sản lượng thực tế hiện nay của OPEC+, không phải là mức hạn ngạch sản lượng mà khối này đang áp dụng. Thời gian qua, sản lượng của OPEC+ không hề đạt tới mức hạn ngạch đề ra, bởi công suất dự trữ của nhóm gần như đã cạn sau nhiều năm quản lý sai lầm và thiếu đầu tư.
Do vậy, một mức cắt giảm sản lượng lớn được đưa ra sẽ có ảnh hưởng lớn đến giá dầu, sau khi giá “vàng đen” đã giảm mạnh trong mùa hè này vì nỗi lo lãi suất tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11, và việc giá dầu leo thang trở lại có thể làm suy giảm khả năng giành chiến thắng cho Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden.
Nếu xét theo tiêu chuẩn lịch sử, giá dầu thế giới vẫn đang cao. Với khả năng OPEC+ giảm mạnh sản lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - đã tăng vượt mức 90 USD/thùng trong phiên ngày thứ Ba, nâng tổng mức tăng trong hai phiên đầu tuần lên hơn 7%.
Căng thẳng giữa Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới, với Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, diễn ra trong bối cảnh giới phân tích cảnh báo về một cuộc chiến năng lượng toàn cầu ngày càng nghiêm trọng. Cuộc chiến này đã nổi lên song song với cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
“CÁI GAI TRONG MẮT MỸ”
Mâu thuẫn lợi ích trong vấn đề năng lượng càng khoét sâu thêm mối rạn nứt. Mỹ muốn giá dầu giảm để kéo lạm phát xuống, trong khi Saudi Arabia luôn muốn giữ giá dầu ở một mức nhất định để đảm bảo ngân sách. Mối quan hệ cộng sinh giữa Saudi Arabia và Nga - một đối thủ của Mỹ - trong vấn đề năng lượng cũng khiến Washington thêm phần “khó chịu”.
Về phần mình, Nga đương nhiên muốn vực dậy giá dầu sau khi giá năng lượng này tụt khoảng 1/3 kể từ mức 120 USD/thùng vào đầu tháng 6. Năng lượng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga, và nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng càng giữ vai trò càng quan trọng hơn khi nền kinh tế Nga bị phương Tây cô lập.
Ngoài việc muốn giảm lạm phát, Mỹ còn muốn siết nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Nga. Bởi thế, việc Saudi Arabia duy trì hợp tác với Nga chẳng khác gì “cái gai trong mắt” Mỹ.
“Các nhà sản xuất dầu trong OPEC+ lo rằng kế hoạch áp trần giá lên dầu Nga có thể trở thành tiền lệ cho việc áp dụng trần giá đối với các nước sản xuất dầu khác”, chuyên gia Bob McNally của Rapidan Energy Group nhận định.
Nguy cơ gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Saudi Arbia xuất hiện chỉ hai tháng sau khi ông Biden thăm Riyadh và gặp thái tử Mohammed. Trong chuyến thăm đó, người đứng đầu Nhà Trắng đề nghị Saudi Arabia “có thêm biện pháp” để tăng nguồn cung dầu.
Nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm giảm giá xăng dầu ở Mỹ đã kéo dài nhiều tháng nay, bao gồm ngoại giao con thoi với các nước sản xuất dầu ở vùng Vịnh, kêu gọi các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ tăng sản lượng, và xả dầu từ dự trữ chiến lược. Mới tuần trước, hai quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ có chuyến thăm Saudi Arabia, đánh dấu cuộc gặp mới nhất trong chuỗi các cuộc gặp song phương về vấn đề năng lượng.
Hồi tháng 8, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm kêu gọi các công ty lọc hoá dầu tăng cường dự trữ trong nước thay vì dẩy mạnh xuất khẩu. Bà cảnh báo rằng Chính phủ Mỹ sẵn sàng “xem xét các quy định liên bang bổ sung hoặc các biện pháp khẩn cấp khác”. Washington đang cân nhắc áp hạn chế đối với các sản phẩm lọc hoá và thảo luận khả năng này với các công ty dầu lửa - nguồn thạo tin cho hay. Nguồn tin nói rằng nếu OPEC+ giảm sản lượng mạnh tay, khả năng đó sẽ càng được đẩy cao hơn.
Mỹ và các nước đồng minh trong nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) đang tiến tới áp trần giá lên dầu Nga vào cuối năm nay. Một động thái như vậy sẽ khiến nguồn cung dầu từ Nga giảm xuống thêm nữa, khi mà lệnh cấm vận dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 12.
Phát biểu ngày 4/10, CEO Amin Nasser của công ty dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco lập luận rằng thị trường dầu lửa toàn cầu đang dồn sự chú ý vào ảnh hưởng đối với nhu cầu tiêu thụ dầu từ khả năng xảy ra suy thoái kinh tế, thay vì những hạn chế về nguồn cung.