October 05, 2022 | 07:09 GMT+7

Cảnh báo mới về an ninh năng lượng châu Âu trong mùa đông năm nay

Bình Minh -

Và do đó, châu Âu sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với châu Á để mua khí đốt hoá lỏng (LNG) vận chuyển đường biển đang ngày càng trở nên đắt đỏ...

Một nhà hàng ở Bỉ thắp nến để tiết kiệm điện hôm 28/9 - Ảnh: AP.
Một nhà hàng ở Bỉ thắp nến để tiết kiệm điện hôm 28/9 - Ảnh: AP.

Châu Âu đối mặt với “những rủi ro chưa từng có tiền lệ” về nguồn cung khí đốt trong mùa đông năm nay, sau khi Nga cắt gần hết xuất khẩu khí đốt qua đường ống sang khu vực này. Và do đó, châu Âu sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với châu Á để mua khí đốt hoá lỏng (LNG) vận chuyển đường biển đang ngày càng trở nên đắt đỏ - theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Theo hãng tin AP, IEA - định chế có trụ sở ở Paris, Pháp - công bố báo cáo hàng quý về thị trường khí đốt vào ngày 3/10, trong đó nói rằng các nước trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ cần phải cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt 13% trong mùa đông năm nay trong trường hợp bị Nga cắt khí đốt hoàn toàn. Phần lớn sự cắt giảm này sẽ phải đến từ các hành vi tiết kiệm của người tiêu dùng, như điều chỉnh nhiệt sưởi thấp đi 1 độ, và cả tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp và các dịch vụ tiện ích như chiếu sáng - báo cáo khuyến nghị.

Hôm thứ Sáu, các nước EU đã nhất trí cắt giảm tiêu thụ điện bắt buộc ít nhất 5% vào các khung giờ cao điểm.

Dòng chảy khí đốt Nga sang châu Âu hiện còn rất nhỏ giọt, chỉ còn chảy qua một đường ống đi qua Ukraine tới Slovakia, cùng một đường ống đi qua Biển Đen và Thổ Nhĩ Kỳ tới Bulgaria. Hai đường ống khác, một đi qua biển Baltic tới Đức và  một đi qua Belarus và Ba Lan, đều đã khoá van vô thời hạn.

Một rủi ro khác mà báo cáo của IEA chỉ ra là những đợt lạnh cuối mùa đông, điều cực kỳ nguy hiểm vì ở thời điểm đó, dự trữ khí đốt đã giảm xuống mức thấp. Mức dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đạt 88%, cao hơn kế hoạch đề ra là đạt 80% trước khi bước vào mùa đông. IEA cho rằng dự trữ cần phải đạt 90% để khu vực này vượt qua mùa đông một cách an toàn trong trường hợp bị Nga cắt khí đốt hoàn toàn.

Doanh nghiệp ở châu Âu hiện đã cắt giảm tiêu thụ khí đốt, trong nhiều trường hợp bằng những cách cực đoan như từ bỏ những hoạt động sản xuất có hàm lượng năng lượng cao như sản xuất thép và phân bón. Những doanh nghiệp nhỏ như tiệm bánh đối mặt với áp lực chi phí rất lớn.

Giá khí đốt ngất ngưởng đây lạm phát ở Eurozone lên mức cao kỷ lục 10%, và nền kinh tế khu vực được cho là sẽ rơi vào một cuộc suy thoái sâu vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Các nước châu Âu đang ra sức bù đắp cho sự suy giảm nguồn cung khí đốt Nga bằng cách mua khí đốt với giá đắt đỏ từ các nguồn khác, như LNG từ Mỹ và Qatar hay khí đốt qua đường ống từ Na Uy và Azerbaijan.

Mục tiêu của nỗ lực này là ngăn mức dự trữ khí đốt khỏi giảm sâu tới mức các nước trong EU phải chia khẩu phần khí đốt theo định mức cho các doanh nghiệp trong mùa đông năm nay. Theo IEA, dự trữ khí đốt phải duy trì trên mức 33% để châu Âu vượt qua mùa đông một cách an toàn, còn dự trữ giảm thấp hơn mức đó sẽ dẫn tới sự thiếu hụt nếu xuất hiện một đợt lạnh cuối mùa.

Nhu cầu khí hoá lỏng tăng cao đã đẩy giá tăng theo và dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn cung, tới mức mà các nước nghèo hơn ở khu vực châu Á không thể mua được. Bangladesh đang trải qua tình trạng mất điện trên diện rộng, Pakistan cũng phải cúp điện luân phiên và giảm số giờ mở cửa của các cửa hàng và nhà máy để tiết kiệm điện.

“Sự cạnh tranh giữa các khu vực để mua LNG có thể dẫn tới căng thẳng cao hơn, vì nhu cầu gia tăng của châu Âu sẽ gây thêm áp lực đối với các khách mua khác, nhất là ở khu vực châu Á, và ngược lại, những đợt lạnh ở khu vực Đông Bắc á có thể hạn chế khả năng tiếp cận của châu Âu với LNG”, báo cáo viết.

Cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu cũng khiến các nước châu Á không giành giật nổi một số lượng hạn chế các trạm tái hoá khí (regasification terminal) - vốn được kỳ vọng giữ vai trò lớn trong hoạt động nhập khẩu LNG của khu vực Đông Nam Á. Châu Âu đã mua 12 trạm như vậy và dự kiến mua thêm 9 trạm nữa.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate