Phát biểu tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc Bệnh viện các tỉnh phía Bắc ngày 19/4/2025, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: Ngành y tế đang đứng trước yêu cầu chuyển mình mạnh mẽ cả về tư duy, tổ chức và quản trị, nhằm đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người dân về chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.
Chủ đề “Bệnh viện thông minh và quản trị bền vững” được chọn cho hội nghị năm nay, phản ánh yêu cầu cấp thiết của quá trình chuyển đổi số toàn ngành.
TỪ BỆNH ÁN ĐIỆN TỬ…
Tại hội nghị, TS. Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, đặc biệt nhấn mạnh việc Cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ Y tế ký văn bản các danh mục liên thông xét nghiệm cận lâm sàng với mã định danh cho từng bệnh viện. Các danh mục này đều đạt chuẩn đến hơn 90% so với quy định của quốc tế. Đây là đảm bảo đầu tiên cho việc liên thông dữ liệu trên toàn quốc. Khi có danh mục này các cơ sở y tế áp dụng bệnh án điện tử thuận lợi hơn.

Trong chuyển đổi số y tế, triển khai bệnh án điện tử được xem là bước tiến quan trọng, không chỉ giúp giảm tải giấy tờ, tiết kiệm chi phí, mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh, cơ sở y tế và toàn hệ thống quản lý.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ: Bệnh viện đã áp dụng bệnh án điện tử hoàn toàn từ tháng 11/2024; triển khai ứng dụng “Bạch Mai Care” giúp bệnh nhân chủ động tra cứu thông tin và lịch sử khám bệnh; thực hiện đề án quản trị tinh gọn, chuẩn hóa quy trình, tối ưu chi phí; hợp tác với nhiều đối tác để phát triển mô hình bệnh viện xanh, thân thiện với môi trường.
Theo ông Cơ, chuyển đổi số mang lại 4 lợi ích lớn: (1) Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhờ bệnh án điện tử; (2) Tối ưu hóa quy trình, tiết kiệm gần 80 tỉ đồng mỗi năm khi loại bỏ giấy tờ; (3) Cải thiện trải nghiệm người bệnh qua các dịch vụ trực tuyến; (4) Thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, như hệ thống AI chẩn đoán ung thư phổi từ ảnh CT và mô bệnh học do bệnh viện phát triển.
Thí điểm bệnh án điện tử từ năm 2021, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp tích hợp đăng ký khám bằng nhận diện khuôn mặt, bệnh nhân được xác thực danh tính trong lần đầu đăng ký khám bằng căn cước công dân gắn chíp và thẻ bảo hiểm y tế. Từ lần thứ hai trở đi, bệnh nhân đến khám không phải mang theo giấy tờ để chứng minh thông tin, giúp tiết kiệm được thời gian làm thủ tục.
Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, toàn thành phố đã có 11/42 bệnh viện công lập trực thuộc Sở hoàn thành triển khai bệnh án điện tử. Với những thành công trong việc triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế trên, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập trực thuộc khẩn trương triển khai bệnh án điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ, hoàn thành trước ngày 30/9/2025.

Tại Hội thảo “Chuyển đổi số trong Bệnh viện - Định hướng Bệnh viện thông minh” mới đây, Đại tá Quách Hữu Trung, Giám đốc Bệnh viện 199, cho rằng việc ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình khám, chữa bệnh, nâng cao hiệu quả quản lý, giảm tải công việc cho nhân viên y tế còn mang lại trải nghiệm tốt hơn, an toàn hơn cho người bệnh, hướng tới xây dựng mô hình bệnh viện thông minh, hiện đại.
Đồng tình, TS. Trương Minh Chương, giảng viên Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, nhấn mạnh lộ trình phát triển bệnh viện thông minh cần dựa trên các nền tảng cốt lõi như bệnh án điện tử (EMR), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa (PACS), hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện (HIS)... Việc chuẩn bị kỹ về hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo nhân lực là những bước đi tiên quyết.
… ĐẾN ỨNG DỤNG AI
Với dữ liệu của 2 triệu lượt bệnh nhân mỗi năm về chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm và giải phẫu bệnh, Bệnh viện (Bạch Mai (Hà Nội) đã "huấn luyện" trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán, điều trị nhiều loại bệnh, bao gồm phát hiện sớm bệnh ung thư.
Theo PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai, Trung tâm Tiêu hóa gan mật của BV đang thử nghiệm công nghệ AI trên nội soi tiêu hóa (đại tràng). Kết quả thử nghiệm cho thấy AI giúp phân loại và đánh giá tính chất của polyp, xác định xem chúng lành tính hay ác tính, từ đó giúp quyết định có cần cắt bỏ hay không. AI giúp tăng tỷ lệ phát hiện polyp đại tràng thêm khoảng 14% so với nội soi thông thường.

Chia sẻ thêm, Phó giám đốc BV Bạch Mai PGS.TS. Vũ Văn Giáp cho biết tại Trung tâm hô hấp của bệnh viện, trong năm 2024 - 2026 triển khai ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh nội soi khí phế quản của các bệnh hô hấp; chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ. Còn Khoa Nội tiết của BV đã ứng dụng AI thí điểm trong chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý tuyến yên, bệnh lý võng mạc do đái tháo đường…
Theo PGS.TS. Vũ Văn Giáp, mỗi một bệnh nhân là một tập hợp số liệu về chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, là nguồn dữ liệu phong phú để huấn luyện AI. Nguồn dữ liệu này giúp chẩn đoán và góp phần quan trọng dự báo xu hướng bệnh tật.
Cũng là bệnh viện tuyến Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã ứng dụng AI vào phần mềm đánh giá, giám sát chương trình chăm sóc phục hồi sớm sau phẫu thuật (ERAS). Ông Đặng Hoàng Vũ, Trưởng phòng Quản lý chất lượng BV Chợ Rẫy, thông tin từ tháng 8/2023 – 10/2024 có 2.750 người bệnh phẫu thuật tham gia chương trình ERAS.
Kết quả giám sát, quản lý cho thấy tỷ lệ người bệnh được thực hiện giảm đau đa mô thức chiếm 97%, tỷ lệ người bệnh đau nặng và đau nghiêm trọng sau phẫu thuật là 0,9%. Tỷ lệ người bệnh tai biến trong phẫu thuật là 0%. Sau khi áp dụng chương trình ERAS, tỷ lệ hài lòng của người bệnh trên 91% (so với trước kia là 81,2%). Nhờ ứng dụng phần mềm này, bệnh viện đã tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực, công sức và văn phòng phẩm khi thực hiện đánh giá người bệnh xuyên suốt quá trình trước, trong và sau phẫu thuật.
Tương tự, việc sử dụng phần mềm Raysearch tích hợp AI tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM được xem là một bước tiến trong xạ trị. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sử dụng AI để kiểm soát gây mê. Tại huyện Cần Giờ (TP.HCM), Trạm y tế xã Thạnh An cũng ứng dụng AI trong chẩn đoán từ xa. Tại Hà Nội, Bệnh viện E ứng dụng AI trong chẩn đoán, điều trị bệnh, đặc biệt là ung thư, tim mạch và thần kinh, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

Theo xu thế phát triển của khoa học, công nghệ, AI sẽ được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực y tế trong thời gian tới. Việc bước đầu ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị ở một số bệnh viện đã đánh dấu bước tiến lớn trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đồng thời, khẳng định mục tiêu của các bệnh viện trong việc mang lại dịch vụ y tế chất lượng cao, phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân.