February 14, 2022 | 10:39 GMT+7

Bị Mỹ cấm vận, hãng chip lớn nhất Trung Quốc vẫn đạt doanh thu kỷ lục

Đức Anh -

Việc nằm trong "danh sách đen" của Washington khiến SMIC bị hạn chế tiếp cận với những công nghệ quan trọng của Mỹ...

SMIC có doanh thu kỷ lục nhờ khủng hoảng chip - Ảnh: Getty Images
SMIC có doanh thu kỷ lục nhờ khủng hoảng chip - Ảnh: Getty Images

Nhà sản xuất chip Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC) vừa báo cáo doanh thu kỷ lục và lợi nhuận tăng mạnh trong năm ngoái trong bối cảnh thế giới rơi vào khủng hoảng thiếu chip và nhu cầu lớn.

Cụ thể, năm 2021, SMIC ghi nhận doanh thu 5,44 tỷ USD, tăng 39% so với năm trước và là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010. Lợi nhuận của công ty đạt 1,7 tỷ USD, tăng 138% so với năm trước. Nhà sản xuất chip Trung Quốc có kết quả kinh doanh kỷ lục bất chấp việc bị Mỹ đưa vào danh sách hạn chế thương mại - còn gọi là Danh sách Thực thể - từ năm 2020.

“Tình trạng thiếu chip trên toàn cầu và nhu cầu lớn trong nước đã mang lại cho công ty cơ hội hiếm có, dù các hạn chế của ‘Danh sách Thực thể’ đã gây ra nhiều rào cản cho sự phát triển của công ty”, SMIC nói trong một thông cáo.

SMIC hiện là nhà sản xuất chip xử lý lớn nhất Trung Quốc, chuyên sản xuất chip theo thiết kế của các doanh nghiệp khác. Công ty này hiện cạnh tranh với các đối thủ như TSMC của Đài Loan, Samsung của Hàn Quốc, dù chưa theo kịp về công nghệ.

Những năm qua, khi căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung leo thang, cả hai cường quốc đều chạy đua để thống trị các công nghệ quan trọng và chất bán dẫn là một trong số đó. Trung Quốc hiện tụt hậu đáng kể so với Mỹ trong ngành công nghiệp chip, tuy nhiên SMIC được xem là nhân tố chủ chốt trong tham vọng thúc đẩy tự chủ trong lĩnh vực này và giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài của Bắc Kinh.

Việc bị đưa vào "danh sách đen" khiến SMIC bị hạn chế tiếp cận với những công nghệ quan trọng của Mỹ cần để sản xuất các loại chip cao cấp nhất. Mặc dù vậy, công ty Trung Quốc vẫn có thể sản xuất một số loại con chip dùng cho ô tô, điện thoại thông minh… mà thế giới đang thiếu. Năm ngoái, China Renaissance dự báo SMIC sẽ là một trong những công ty được hưởng lợi lớn từ cuộc khủng hoảng thiếu chip và thực tế đúng như vậy.

SMIC hiện đang tiếp tục đầu tư mạnh để mở rộng hoạt động sản xuất. Công ty này có kế hoạch đầu tư 5 tỷ USD để xây dựng 3 nhà máy mới tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến để nâng cao năng lực sản xuất trong thời gian tới.

Trong khi đó, các nhà sản xuất chip khác cũng có kế hoạch đầu tư hàng chục tỷ USD để tăng cường sản xuất, đáp ứng nhu cầu được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng thời gian tới. 

Dự báo nhu cầu vẫn tăng cao, TSMC - hiện là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới - cho biết sẽ nâng mức đầu tư lên khoảng 40-44 tỷ USD trong năm nay, từ mức 30 tỷ USD của năm 2021. Năm ngoái, TSMC thông báo kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD để mở rộng sản xuất trong vài năm tới, khi mà các công nghệ mới nhưviễn thông thế hệ thứ 5 (5G), các ứng dụng trí tuệ nhân tạo được dự báo sẽ thúc đẩy nhu cầu chip.

Còn công ty điện tử Samsung Electronics cuối tháng 11/2021 công bố kế hoạch rót 17 tỷ USD xây dựng một nhà máy sản xuất con chip ở Texas, Mỹ. Trước đó, công ty Hàn Quốc công bố tăng đầu tư 30% kế hoạch tư lên hơn 205 tỷ USD trong vòng 3 năm, một phần để theo đuổi vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chip.

Trong khi đó, đầu tháng 9/2021, hãng công nghệ Intel của Mỹ cho biết công ty này dự kiến xây hai nhà máy con chip tại châu Âu và có thể mở rộng thêm lên tới 8 nhà máy với tổng vốn đầu tư lên tới 95 tỷ USD trong vòng một thập kỷ.

Theo dự báo mới đây của hãng kiểm toán Deloitte, tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn sẽ kéo dài đến đầu năm 2023. Kể cả vào thời điểm cuối năm 2022, đối với nhiều loại chip, khách hàng sẽ vẫn phải chờ đợi từ 10 đến 20 tuần. Theo Deloitte, tình trạng thiếu nguồn cung chip được dự đoán sẽ kéo dài 24 tháng trước khi trở nên ít nghiêm trọng hơn, tương tự như khoảng thời gian thiếu hụt chip trong giai đoạn 2008–2009.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate