Theo đó tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn sẽ kéo dài đến đầu năm 2023. Kể cả vào thời điểm cuối năm 2022, đối với nhiều loại chip, các khách hàng sẽ vẫn phải chờ đợi từ 10 đến 20 tuần.
NHU CẦU CHIP TĂNG ĐỘT BIẾN DO COVID-19
Mặc dù tình trạng thiếu hụt chip tiếp tục diễn ra trong năm 2022 nhưng sẽ ít nghiêm trọng hơn và có tác động khác nhau ở các lĩnh vực. Các chip được dùng trong các nút quy trình tiên tiến nhất (3, 5, và 7 nm) sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt khi nhu cầu thị trường cao và đây cũng là các chip khó chế tạo nhất.
Việc thiếu hụt chip đã gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất trong nhiều lĩnh vực, trong đó có sản xuất ô tô và điện thoại thông minh.
"Tình trạng thiếu nguồn cung chip được dự đoán sẽ kéo dài 24 tháng trước khi trở nên ít nghiêm trọng hơn, tương tự như khoảng thời gian thiếu hụt chip trong giai đoạn 2008–2009".
CEO Martin Daum của Daimler Truck, công ty con của doanh nghiệp Daimler mới đây cho hay, công ty này hiện còn rất nhiều xe đang ở trong nhà máy không thể giao được vì chỉ "thiếu duy nhất 1 linh kiện”. Đó sẽ là một con số khổng lồ và hãng phải bán số lượng ô tô ít hơn nhiều so với khả năng do thiếu hụt chip bán dẫn. Với mức giá trung bình 100.000 euro (113.170 USD) mỗi chiếc xe, đồng nghĩa việc Daimler Truck thất thu vài tỷ Euro doanh thu.
Trong khi đó, Xiaomi đã tụt hạng trong danh sách các nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn nhất thế giới trong quý 3 vừa qua, khi hãng này đương đầu với cuộc khủng hoảng thiếu con chip trên toàn cầu và mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Thiếu linh kiện đã ảnh hưởng tới hầu như tất cả các nhà sản xuất smartphone, nhưng Xiaomi đối mặt với thách thức lớn hơn do mức độ đa dạng sản phẩm cao của mình. Trong quý 3 vừa qua, nhà sản xuất đến từ Trung Quốc này có hơn 50 mẫu smartphone khác nhau trên thị trường, so với chỉ 14 mẫu của Apple.
Nhu cầu chip cho cả thiết bị và trung tâm dữ liệu đã tăng đột biến trong năm 2020 và 2021, một phần do đại dịch Covid-19. Vào năm 2022, nhu cầu thị trường dự kiến sẽ vẫn cao hơn trong dài hạn.
Theo Deloitte, tình trạng thiếu nguồn cung chip được dự đoán sẽ kéo dài 24 tháng trước khi trở nên ít nghiêm trọng hơn, tương tự như khoảng thời gian thiếu hụt chip trong giai đoạn 2008–2009.
Bất chấp những thách thức, doanh số bán hàng trong lĩnh vực bán dẫn toàn cầu đã, đang và sẽ tiếp tục đi lên. Doanh số bán hàng dự kiến sẽ tăng 20% năm 2021 và tăng thêm 9%, lên 574 tỷ USD trong năm 2022, theo Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn.
ĐẦU TƯ TỪ QUỸ ĐẦU TƯ MẠO HIỂM TĂNG MẠNH
Sự thiếu hụt cũng thúc đẩy các khoản đầu tư mới vào lĩnh vực này trong bối cảnh cầu thị trường tiếp tục tăng.
Theo dự đoán của Deloitte, các công ty đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu sẽ đầu tư hơn 6 tỷ đô la Mỹ vào các công ty bán dẫn trong năm 2022. Con số này lớn hơn gấp 3 lần so với đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm vào mảng chất bán dẫn hàng năm trong giai đoạn năm 2000-2016.
Ngoài nhu cầu cao đối với chip mới, Deloitte cho biết các khoản đầu tư này còn do nhu cầu về thiết kế và kiến trúc chip mới, sự gia tăng của các khoản đầu tư từ chính phủ, tăng công suất máy và định giá công nghệ tương đối cao.
Hầu hết các khoản đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ hướng tới các công ty nổi tiếng có khả năng tận dụng năng lực sản xuất toàn cầu ngày càng tăng. Có khoảng 29 nhà máy mới đã bắt đầu hoặc sẽ bắt đầu xây dựng vào năm 2021 và 2022 tại Trung Quốc; châu Mỹ; châu Âu, Trung Đông và châu Phi, Nhật Bản và Hàn Quốc. Do đó, năng lực sản xuất toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 36% từ năm 2020 đến cuối năm 2022.
Trong khi các khoản đầu tư vào ngành công nghiệp chip đang diễn ra ở khắp mọi nơi, xu hướng hiện tại cho thấy dòng tiền của các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn sẽ chủ yếu chảy vào Trung Quốc.
Các khoản đầu tư vào các công ty bán dẫn của Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần từ năm 2019 đến năm 2020. Chỉ trong nửa đầu năm 2021, các quỹ đầu tư mạo hiểm từ cả trong và ngoài Trung Quốc đã đầu tư 3,85 tỷ USD vào các công ty chip tại nước này.