Giữa lúc hai đối thủ General Motors (GM) và Chrysler đang trong tình trạng “dở sống dở chết”, việc hãng ôtô Ford của Mỹ hiện vẫn đứng vững trước khủng hoảng mà không cần tới các khoản viện trợ của Chính phủ nước này được xem là một thành công lớn.
Nhờ đâu mà hãng xe nằm dưới sự lãnh đạo của một giám đốc điều hành (CEO) vốn được coi là “kẻ ngoại đạo” trong thế giới công nghiệp ôtô lại thành công như vậy?
Một ngày cuối tháng 11/2006, CEO mới nhậm chức Alan R. Mulally của Ford đưa ra một quyết định gây ngạc nhiên. Ông tuyên bố sẽ đem cầm cố toàn bộ tài sản của công ty để vay gần 24 tỷ USD từ ngân hàng nhằm cải tổ hãng xe khi đó vốn đã đang phải đối mặt với không ít thách thức. Ở thời điểm đó, kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng vững, nhưng Mulally cho rằng, khoản vay này sẽ giúp Ford có “một tấm đệm để đề phòng suy thoái hoặc một sự cố bất ngờ nào đó”.
Động thái trên của Ford ở thời điểm cuối năm 2006 bị không ít nhà quan sát xem là một nỗ lực tuyệt vọng. Tuy nhiên, khoản vay trên rốt cục lại là phao cứu sinh tuyệt vời cho Ford khi cuộc khủng hoảng hiện nay nổ ra.
Với doanh số gần như rơi tự do và sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng xe Nhật Bản, GM và Chrysler đã bị đẩy tới sát mép của bờ vực phá sản, cho dù đã được Chính phủ tiếp sức cho khoản vay 17,4 tỷ USD. Số phận của hai tập đoàn này sẽ được chính quyền của Tổng thống Obama quyết định trong vài tuần tới, và phá sản là khả năng rất có thể xảy ra.
Trong khi đó, nhờ có khoản vay gần 24 tỷ USD vào năm 2006, Ford vẫn duy trì được sự độc lập của mình và đang vững bước trong quá trình vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của ngành công nghiệp xe hơi trong vòng nhiều thập kỷ này. “Đó đúng là một thời khắc quyết định đối với chúng tôi”, Mulally phát biểu trong một cuộc phỏng vấn về quyết định vay tiền ngân hàng của ông trước kia.
Ở thời điểm quyết định xin vay vốn, Mulally mới chỉ nhậm chức CEO ở Ford vỏn vẹn 90 ngày. Tuy nhiên, khi đàm phán với lãnh đạo các nhà băng, ông đã khẳng định sẵn sàng đưa ra những quyết định “rắn”, bao gồm việc bán lại các thương hiệu, cắt giảm việc làm, đồng thời tập trung vào các mẫu xe nhỏ, thay vì xe tải và xe đa dụng có tính năng thể thao (SUV). Chiến lược này đã thuyết phục được các ngân hàng cấp vốn vay. Sau khi nhận được vốn, Mulally đã thúc đẩy Ford đi theo chiến lược mà ông đã vạch ra như nói ở trên.
Từ đó, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, số phận của Ford dường như không còn ràng buộc chặt chẽ với những “người hàng xóm” trong ngành công nghiệp xe hơi Mỹ. Một số cuộc thăm dò gần đây cho thấy, khách mua xe đang chạy dần từ các cửa hàng của GM và Chrysler sang các cửa hàng của Ford. Cuộc điều tra toàn nước Mỹ của hãng nghiên cứu thị trường xe hơi AutoPacific mới đây cho hay, 72% số người được hỏi cho biết, họ thích mua xe của Ford hơn vì Ford không cần tới sự hỗ trợ của Chính phủ.
Lãnh đạo của Ford xem đây là một cơ hội “ngàn năm có một” để mở rộng thị phần và tạo cho mình sức cạnh tranh vượt trội. Hiện Ford đang chiếm thị phần ổn định ở mức 15% trên thị trường xe hơi Mỹ, nhưng con số này có thể gia tăng mạnh trong trường hợp GM hoặc Chrysler bị buộc phá sản.
Bên cạnh đó, Ford còn đạt được thỏa thuận với Nghiệp đoàn Công nhân ô tô (UAW), theo đó, một nửa quỹ chăm sóc sức khỏe cho công nhân viên nghỉ hưu sẽ là cổ phiếu. Đây là công việc mà GM và Chrysler đã rất cố gắng nhưng chưa làm được. Đầu tuần này, Ford đã lên kế hoạch thanh toán cho các chủ nợ 9,9 tỷ USD. Một phần trong số này là những khoản vay được cấp vốn hồi năm 2006.
Tuy nhiên, nói Ford không hề hấn gì trong cuộc khủng hoảng này là không đúng.
Năm ngoái, Ford lỗ kỷ lục 14,8 tỷ USD do doanh số của hãng tại thị trường Mỹ giảm mất 20%, so với mức giảm 22% và 30% của GM và Chrysler. Trong 3 tháng đầu năm nay, doanh số của Ford tại Mỹ giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức giảm chung 38% của toàn thị trường. Hiện Ford đang kỳ vọng những sản phẩm mới nhất của hãng, trong đó có mẫu xe sedan tầm trung Taurus mới, có thể ngăn sự sụt giảm xa hơn của doanh số.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, Ford đang cạn tiền mặt và chỉ còn lượng tiền đủ dùng cho 1 năm nữa xét trong bối cảnh thị trường xe hơi còn yếu ớt như hiện nay.
Mặc dù vậy, quyết định vay vốn ngân hàng năm 2006 ngay giữa lúc thị trường vốn còn đang hưng thịnh sẽ được coi là một trong những động thái quan trọng nhất trong lịch sử 105 năm của hãng xe này. “Tôi tin rằng, tầm nhìn xa trong việc tăng cường sức mạnh cho tập đoàn chính là yếu tố tạo ra sự khác biệt giữa Ford và các hãng xe khác trong lần suy thoái hiện nay”, nhà phân tích John Murphy thuộc Merrill Lynch nhận xét.
Thành công của Ford cũng đồng nghĩa với thành công của Mulally, và là bằng chứng về khả năng lãnh đạo của ông, một “kẻ ngoại đạo” trong ngành công nghiệp xe hơi. Trước khi tới làm việc cho Ford, Mullaly đã làm việc 37 năm trong hãng chế tạo máy bay Boeing. Khi ông được chọn làm CEO cho Ford, nhiều người đã tỏ thái độ từ ngạc nhiên tới giận dữ. Những người này không tin một người làm trong ngành công nghiệp hàng không lại có thể lãnh đạo một hãng ôtô.
Chủ tịch Ford là Bill Ford, cháu nội của người sáng lập hãng Henry Ford, đồng thời là người chọn Mullaly vào ghế CEO, hiểu rõ những khó khăn của việc lãnh đạo hãng xe này. Khi được hỏi về lựa chọn Mullaly, Bill Ford chỉ nói rằng, hãng cần một triển vọng mới.
Và thời gian đã đem tới câu trả lời. Trong lúc Mullaly vững tay chèo ở Ford, thì mới đây, CEO Rick Wagoner của hãng GM - một nhân vật kỳ cựu của ngành công nghiệp ôtô Mỹ - đã bị Chính phủ Mỹ buộc từ chức.
(Theo New York Times, Business Week)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate